• 177 Hai Bà Trưng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • (84-8) 39 327 341

TỔNG QUAN VỀ THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA

Giá CSTN trên các sàn giao dịch kỳ hạn và thị trường giao ngay tuần qua có diễn biến không tương đồng nhau nhưng nhìn chung vẫn theo xu hướng tăng giá. Một số nguyên nhân được các nhà phân tích chỉ ra, cụ thể như sau:

  1. Nguồn cung nguyên liệu tiếp tục giảm mạnh tại khu vực Đông Nam Á khi cây cao su bước vào mùa ngưng cạo, các nhà sản xuất lo ngại về nguồn cung trở nên khan hiếm trong tháng 3 năm 2024. Trong khi đó, các chuyên gia dự đoán tổng sản lượng thế giới trong ba tháng từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2024 là dự kiến sẽ thiếu hụt 1,0 triệu tấn.
  2. Các chuyên gia nhận định tình trạng thiếu hụt nguồn cung CSTN sẽ kéo dài đến tháng 8/2024. Đã có sự canh tranh gay gắt giữa giá mủ nước và mủ đông do các nhà máy sản xuất ưu tiên chế biến sản phẩm có nguồn gốc từ mủ nước để trả cho các đơn hàng đã ký kết.
  3. Giá dầu trong tuần giảm nhưng vẫn ở mức cao cũng tác động tới giá CSTN.
  4. Đồng Dollar Mỹ duy trì ngưỡng ổn định trong tuần qua.
  5. Trung Quốc mở cửa sau một thời gian dài nghỉ Tết cũng khiến nhu cầu tăng trở lại.

1. Giá giao dịch cao su kỳ hạn (Future)

Giá RSS3 trên các sàn giao dịch có diễn biến không tương đồng nhau. Giá trên sàn SGX giữ ổn định ở hai phiên đầu tuần sau đó giảm giá ở giữa tuần, tiếp đó tăng giá ở phiên gần cuối tuần trước khi giảm trở lại ở phiên cuối tuần; giá trên sàn JPX giảm giá gần như trong cả tuần và bất ngờ tăng giá mạnh ở phiên cuối tuần; giá trên sàn Shanghai tăng giá ở hai phiên đầu tuần sau đo giảm giá ở giữa tuần trước khi quay đầu tăng trở lại ở hai phiên cuối tuần. So với giá bình quân tuần trước, giá RSS3 trên các sàn tuần này đều tăng, cụ thể: giá trên trên sàn SGX tăng +2,77%, trên sàn JPX tăng +2,89%, giá trến sàn Shanghai tăng +0,39%.

Giá TSR20 trên SGX và giá tham chiếu SMR10/20 trên MRB có diễn biến không tương đồng nhau. Giá TSR20 tăng giá trong suốt tuần; trong khi giá SMR10/20 tăng từ đầu đến gần cuối tuần và chỉ giảm giá ở phiên cuối tuần. So với tuần trước, giá bình quân của TSR20 và giá SMR10/20 tuần này có đều tăng nhẹ, cụ thể: giá TSR20 tăng +2,86%, giá tham chiếu SMR10/20 tăng +2,85%/+2,86%.

Đối với giá tham chiếu CV, L và Latex trên MRB có diễn biến tương đồng nhau khi đều giảm giá từ đầu tuần đến giữa tuần tuần và tăng giá trở lại ở hai phiên cuối tuần. So với tuần trước, giá các sản phẩm CV, L và Latex đều tăng, cụ thể: giá CV tăng +0,34%; giá L tăng +0,34%; Latex tăng +0,33%.

Diễn biến giá trung bình trên các sàn giao dịch tương lai tuần qua sau:

Chủng loại Giá tuần 12/2 đến 16/2/2024 (USD/tấn) Giá tuần 19/2 đến 23/2/2024 (USD/tấn) Thay đổi
USD %
RSS3 SGX 1.998,75 2.054,20 55,45 + 2,77
TSR20 SGX 1.530,50 1.574,40 43,90 + 2,86
SMR CV 2.468,13 2.476,60 8,47 + 0,34
SMR L 2.447,00 2.455,40 8,40 + 0,34
SMR10 1.547,25 1.591,40 44,15 + 2,85
SMR20 1.536,63 1.580,80 44,17 + 2,87
Latex 1.433,66 1.438,52 4,86 + 0,33
RSS3 JPX 1.932,00 1.987,90 55,90 + 2,89
RSS3 Shanghai 1.885,49 1.892,92 7,43 + 0,39

2. Giá cao su thị trường giao ngay (Physical):

Giá RSS3 trên thị trường giao ngay tăng giá trong tuần. So với tuần trước, giá bình quân RSS3 giao ngay tuần tăng 97,6 USD/tấn tương đương tăng +4,55 %.

Giá V20 trên các thị trường giao ngay có diễn biến không tương đồng nhau. Giá STR20 tăng giá từ đầu tuần đến phiên gần cuối tuần và chỉ giảm giá ở phiên cuối tuần; giá SMR20 giữ ổn định từ đầu đến giữa tuần sau đó tăng giá ở phiên gần cuối tuần và giữ ổn định ở phiên cuối tuần kế tiếp. So với tuần trước, giá bình quân giá STR20 tăng +1,86%, giá SMR20 tăng 2,6 %

Giá Latex trên thị trường giao ngay tăng giá ở ba phiên đầu tuần trước khi giảm giá trở lại ở hai phiên cuối tuần. So với tuần trước, giá bình quân giá Latex tăng +2,24%.

Diễn biến giá trung bình các sản phẩm cao su trên thị trường giao ngay tuần qua:

Chủng loại Tuần 12/2 đến 16/2 Tuần 19/2 đến 23/2 Thay đổi %
RSS3 2.146 2.244 97,60 4,55
STR20 1.686 1.717 31,40 1,86
SMR20 1.540 1.580 40,00 2,60
SIR20 1.530 1.560 30,00 1,96
USS 69,20 71,69 2,49 3,60
THAI LATEX 60% 1.412 1.444 31,60 2,24

DIỄN BIẾN CỤ THỂ TRÊN CÁC SÀN GIAO DỊCH FUTURE TUẦN QUA

1. Tại Sàn SGX - Singapore (giao dịch kỳ hạn tháng 4/2024)

Giá RSS3 có các phiên tăng và giảm giá trong tuần. Hai phiên đầu tuần giá giữ ở mức 2.049 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh giảm giá xuống mức 2.048 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức cao nhất tuần là 2.070 USD/tấn, đến phiên cuối tuần về mức 2.055 USD/tấn.

Giá TSR 20 có tăng giá trong suốt tuần. Đầu tuần giá ở mức 1.546 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh tăng liên tiếp đến phiên cuối tuần giá tăng lên mức cao nhất tuần là 1.613 USD/tấn.

Khối lượng giao dịch chủ yếu vẫn là TSR 20, giá tăng ở phiên đầu tuần và bật tăng mạnh ở phiên cuối tuần, các phiên còn lại đều giảm. Lượng giao dịch RSS3 vẫn duy trì ở mức thấp.

Nguồn: SGX

2. Giá tham chiếu trên MRB – Malaysia

Giá SMR CV và SMR L có các phiên tăng và giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 2.473/2.452 USD/tấn, sau đó có các phiên điều chỉnh giảm liên tiếp xuống mức thấp nhất tuần là 2.465/2.444 USD/tấn, tiếp đó giá điều chỉnh ở hai phiên cuối tuần giá lên cao nhất tuần ở mức 2.501/2.480 USD/tấn. (Chi tiết tại Biểu đồ 3)

Giá SMR 10/20 có xu hướng tăng giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 1.566,5/1.556 USD/tấn, sau đó có các phiên điều chỉnh tăng liên tiếp giá lên mức cao nhất tuần là 1.622,5/1.612 USD/tấn, đến phiên cuối tuần giá điều chỉnh giảm về mức 1.618,5/1.608 USD/tấn.

Giá cao su Latex có các phiên tăng và giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 1.435 USD/tấn, sau đó có các phiên điều chỉnh giảm giá xuống mức thấp nhất tuần là 1.433,2 USD/tấn, kế tiếp đó có phiên điều chỉnh tăng và đến phiên cuối tuần giá tăng lên mức cao nhất tuần là 1.452,4 USD/tấn. (Chi tiết tại Biểu đồ 4)

Nguồn: MRB

3. Tại Sàn Tocom/Osaka - Nhật Bản (giao dịch kỳ hạn tháng 7/2024)

Giá cao su RSS3 có các phiên tăng và giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 1.986,4 USD/tấn, tiếp đó có các phiên điều chỉnh giảm liên tiếp giá xuống mức thấp nhất tuần là 1.968,6 USD/tấn, đến phiên cuối tuần giá điều chỉnh tăng lên mức 2.021,8 USD/tấn.

Khối lượng giao dịch tăng mạnh ở hai phiên đầu tuần, giảm ở các phiên còn lại.

Nguồn: JPX

4. Tại Sàn Thượng Hải – Trung Quốc (giao dịch kỳ hạn tháng 5/2024) Nghỉ lễ mùa xuân

Giá cao su RSS3 có xu hướng tăng giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức là 1.879,1 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức 1.887,4 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh giảm giá xuống mức 1.882,8 USD/tấn, kế tiếp đó có phiên điều chỉnh tăng và đến phiên cuối tuần giá tăng lên mức cao nhất tuần là 1.913 USD/tấn.

Khối lượng giao dịch tăng ở phiên gần cuối tuần, các phiên còn lại đều giảm.

Nguồn: Shanghai

DIỄN BIẾN GIÁ CAO SU TRÊN THỊ TRƯỜNG GIAO NGAY CHÂU Á

Diễn biến giá cao su trong hai tuần gần nhất, cụ thể như sau:

NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU TRONG NGẮN HẠN

Diễn biến thị trường tuần qua tương đồng với nhận định của Bản tin thị trường số 05, cụ thể: “giá CSTN có thể sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn cung nguyên liệu CSTN giảm mạnh do đang vào mùa ngưng cạo hàng năm; Giá dầu tăng mạnh trở lại cùng với việc Trung Quốc và Việt Nam kết thúc kỳ nghỉ Tết dài trong năm và trở lại hoạt động sẽ là động lực cho giá CSTN trong thời gian tới”. Giá CSTN trong tuần qua giữ nguyên đà tăng ổn định do lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung cũng như tâm lý hưng phấn của các nhà đầu tư tại Trung Quốc sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán khá dài.

Trong ngắn hạn, giá CSTN có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thuận lợi và bất lợi đan xen nhau, cụ thể:

1. Cung cầu cao su thiên nhiên toàn cầu

Giá mủ nguyên liệu vẫn tiếp tục tăng do đang là mùa ngưng cạo hàng năm tại khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường vật chất vẫn tăng cao do thông tin về tình trạng thiếu hụt toàn cầu ngày càng gia tăng. Tổng sản lượng thế giới trong ba tháng từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2024 dự kiến sẽ thiếu tiêu thụ 1,0 triệu tấn. Các chuyên gia nhận định tình trạng thiếu hụt nguồn cung CSTN sẽ kéo dài đến tháng 8/2024.

Bên cạnh đó, số liệu mới nhất cho thấy xuất khẩu cao su thiên nhiên của Bờ Biển Ngà trong tháng 1/2024 là 113.766 tấn, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Số liệu này là phù hợp với thực tế do lệnh cấm xuất khẩu mủ chén từ chính phủ Bờ Biển Ngà và việc các nhà máy tại nước này đã bắt đầu hoạt động hết công suất trong thời gian qua.

2. Yếu tố Giá dầu

Trên thị trường năng lượng, Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 2,05 USD/thùng, tương đương giảm 2,5%, còn 81,62 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,12 USD/thùng, tương đương giảm 2,7%, còn 76,49 USD/thùng.

Cả tuần này, giá dầu Brent giảm 2% và giá dầu WTI giảm hơn 3%.

Khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn đã gây áp lực giảm lên giá dầu trong tuần này, nhưng giá “vàng đen” tiếp tục được hỗ trợ bởi bất ổn địa chính trị ở Trung Đông. Cả tuần, giá dầu Brent giảm 2% và giá dầu WTI giảm hơn 3%.

Trong khi đó, sự gia tăng bất ngờ về tồn kho dầu thô của Mỹ được cho là đã làm giảm bớt lo ngại của các nhà đầu tư về nguồn cung toàn cầu trong bối cảnh hậu cần ở Trung Đông bị gián đoạn

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu nhìn chung vẫn vững vàng, bất chấp ảnh hưởng của lãi suất cao. Một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase cho biết nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng bình quân 1,7 triệu thùng/ngày trong kỳ 1 tháng luân phiên kết thúc vào ngày 21/2 so với tháng trước đó, so với mức tăng 1,6 triệu thùng/ngày của kỳ 1 tháng kết thúc vào tuần liền trước.

Nhu cầu dầu tăng mạnh hơn có thể do nhu cầu đi lại gia tăng ở Trung Quốc và châu Âu.

3. Tình hình kinh tế Mỹ và chính sách của FED

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (23/2), khi cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) có thời điểm đưa giá trị vốn hoá của hãng chip Nvidia lần đầu tiên vượt qua mốc 2 nghìn tỷ USD.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,03%, chốt ở mức 5.088,8 điểm. Trong phiên, có thời điểm chỉ số lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mốc 5.100 điểm.
Chỉ số Dow Jones tăng 62,42 điểm, tương đương tăng 0,16%, thiết lập kỷ lục đóng cửa mới ở mức 39.131,53 điểm. Một kỷ lục nội phiên nữa của Dow Jones cũng được thiết lập trong phiên này.

Số liệu công bố ngày thứ Sáu cho thấy tăng trưởng của ngành dịch vụ Mỹ được đẩy nhanh trong tháng 1, khi lượng đơn hàng mới và số lượng việc làm mới trong lĩnh vực này cùng tăng. Tuy nhiên, tin tốt về kinh tế cũng đồng nghĩa với khả năng Fed không giảm lãi suất nhanh và nhiều trong năm nay - một yếu tố có thể gây bất lợi cho giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư bị đè nặng sau biên bản cuộc họp FOMC của Fed. Biên bản làm tăng triển vọng lãi suất cao hơn sẽ tồn tại lâu hơn.

Trong khi đó, Dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME cho thấy khả năng Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6 là gần 53%, từ mức 66% vào phiên trước. Mới vào đầu tháng này, thị trường còn cho rằng khả năng Fed tiến hành đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 3 là 62%.

4. Đồng Đô la Mỹ

Đồng đô la gần như được duy trì ổn định tuần qua. Chỉ số Dollar Index, theo dõi sức mạnh của đồng đô la so với sáu loại tiền tệ ngang hàng khác, được giao dịch ở mức 103,867 ngày 22 tháng 2. Đồng đô la được hỗ trợ bởi triển vọng lãi suất cao hơn sẽ kéo dài hơn. Biên bản cuộc họp FOMC (Ủy ban thị trường mở liên bang) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tổ chức vào tháng 1 được công bố ngày 21/2 tiết lộ, các nhà hoạch định chính sách không ủng hộ việc cắt giảm lãi suất một cách vội vàng.

5. Tình hình kinh tế Trung Quốc

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 20/2 đã hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 5 năm – lãi suất tham chiếu để các ngân hàng thương mại Trung Quốc điều chỉnh lãi suất cho vay thế chấp nhà – từ 4,2% xuống còn 3,95%.

Theo các nhà phân tích, động thái này báo hiệu Bắc Kinh sẽ còn đưa ra nhiều biện pháp nữa nhằm vực dậy tâm lý thị trường, hồi sinh ngành bất động sản đang rơi vào khủng hoảng cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ được dự báo sẽ là một trọng tâm trong chương trình nghị sự tại kỳ họp lưỡng hội dự kiến diễn ra vào tháng tháng tới. Kỳ họp này bao gồm Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC), cơ quan tư vấn chính trị cấp cao nhất của Trung Quốc và cuộc họp của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tức Quốc hội Trung Quốc.

Trong khi đó, ngân hàng HSBC đánh giá đợt hạ lãi suất mới của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang có động lực tích cực từ hoạt động du lịch dịp Tết Nguyên đán và dữ liệu tiêu dùng. “Chúng tôi dự báo Bắc Kinh sẽ tiếp tục giữ lập trường chủ động và việc đưa ra thêm các hỗ trợ chính sách có thể sẽ là một trọng tâm tại kỳ họp Quốc hội đầu tháng 3 tới”. Kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc dự kiến khai mạc vào ngày 5/3.

Tóm lại, trong ngắn hạn, giá CSTN có thể sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn cung nguyên liệu CSTN giảm mạnh do đang vào mùa ngưng cạo hàng năm; các chính sách giảm lãi vay từ ngân hàng TW Trung Quốc; đồng Dollar vẫn duy trì mức ổn định và quan trọng là nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc có thể tăng sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán.

CÁC THÔNG TIN LIÊN QUAN

1. Thông tin từ thị trường Trung Quốc và các khu vực khác

- Số liệu mới nhất cho thấy xuất khẩu cao su thiên nhiên của Côte d'Ivoire trong tháng 1/2024 là 113.766 tấn, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.

- Tính đến ngày 18 tháng 2 năm 2024, tổng tồn kho cao su thiên nhiên ngoại quan và thương mại tổng hợp tại Thanh Đảo là 675.700 tấn, tăng 21.800 tấn tương đương 3,34% so với kỳ trước.

2. Giá dầu thô

- Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu giảm gần 3% sau thông tin Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất ít nhất hai tháng nữa và nỗ lực đàm phán ngừng bắn tại Gaza đang diễn ra ở Paris.

- Giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm xuống mức 76,49 USD/thùng, trong khi đó giá dầu WTI của Mỹ cũng giảm xuống mức 81,62 USD/thùng.

Biểu đồ 9

Nguồn: Bloomberg

3. Giá Ngoại tệ

- Tỷ giá ngày 23/2/2024 tăng lên mức 24.450 đồng/USD.

Nguồn: Ngân hàng CPTM ngoại thương (VCB)

Nguồn : Ngân hàng BNM Malaysia

Nguồn : exchangerates.org.uk

Nguồn : exchangerates.org.uk

Ghi chú

1. “Bản tin thị trường của Ban Thị Trưởng kinh doanh (Ban TTKD Tập Đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) được biên tập dự trên các nguồn tài liệu chính thức như:
  • Thông tin cập nhật từ các sàn giao dịch future.
  • Báo cáo định kỳ của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su (ARNPC)
  • Bản tin định kỳ của Hiệp Hội cao su Việt Nam.
  • Các thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh, thu mua cung cấp từ các đơn vị thành viên của Tập Đoàn.
  • ...

2. Bản tin chỉ cung cấp cho lãnh đạo Tập Đoàn và các đơn vị Cty thành viên để theo dõi xu hướng của thị trường và chỉ được lưu hành nội bộ.

3. Một số phân tích và nhận định trong bản tin chỉ có tính tham khảo. Cá nhân tổ chức trong Tập Đoàn được chia sẻ bản tin này có thể sử dụng để có phân tích và nhận định riêng. Ban TTKD không chịu trách nhiệm việc sử dụng bản tin cho quyết định kinh doanh của tổ chức cá nhân cũng như không chịu trách nhiệm việc chia sẻ bản tin này cho các tổ chức, cá nhân không có trong danh mục được chia sẻ. “