• 177 Hai Bà Trưng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • (84-8) 39 327 341

1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tiêu chuẩn này quy định các công đoạn bao gói, lưu kho, vận chuyển cao su thành phẩm trong nhà máy chế biến cao su, nhằm thống nhất cách bao gói, lưu kho, vận chuyển cao su để đảm bảo chất lượng cao su và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Điều 2. Quy định được trình bày dưới dạng văn bản pháp quy kỹ thuật, do Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – Công ty Cổ phần ban hành.
Điều 3. Quy định này phải đạt các yêu cầu sau:

3.1. Đáp ứng chất lượng sản phẩm cao su theo ISO, TCVN, TCCS và/hoặc yêu cầu khách hàng.

3.2. Tiên tiến về khoa học kỹ thuật.

3.3. Các nhà máy chế biến cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – Công ty Cổ phần có thể áp dụng được.

3.4. Hiệu quả kinh tế cao.

3.5. Không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, an toàn lao động, an ninh quốc gia và môi trường.

2. QUY ĐỊNH VỀ BAO GÓI, LƯU KHO THÀNH PHẨM CAO SU KHỐI VÀ CAO SU TỜ

(Hình minh họa)

Điều 4. Bao bành

4.1. Bành cao su được bọc bằng bao nhựa nguyên sinh LDPE (polyethylen tỷ trọng thấp), nhiệt độ nóng chảy không quá 109 0C, có kích thước như sau:

  • Dài : ≥ 1 000 mm.
  • Ngang : ≥ 580 mm.
  • Dày : 0,03 mm  0,05 mm.

Loại bao PE và bề dày có thể thay đổi theo yêu cầu của khách hàng.

4.2. Nhãn hiệu ghi trên bành cao su phải đúng với chủng loại và cấp hạng cao su.

4.3. Sau khi bọc xong, bao nhựa phải được hàn dính kín lại và không bị rách.

4.4. Với cao su RSS bành 111,111 kg: sau khi ép bành, bành được bao bành bằng chính các tờ cao su được lựa chọn trước từ trong bành đó, quét talc, sơn ký hiệu ở khu vực riêng, sạch sẽ.

(Hình minh họa)

Điều 5. Thùng chứa cao su

5.1. Đối với thành phẩm cao su chứa trong pallet

5.1.1. Các bành cao su xếp vào thùng chứa có lót 02 thảm nhựa PE màu trắng đục hoặc không màu, bao kín hết sáu mặt của thùng chứa, dày từ 0,07 mm đến 0,10 mm. Quy cách thùng chứa căn cứ theo:

– TCCS 115 – các dạng thùng chứa cao su thành phẩm trong giao dịch thương mại của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – Công ty Cổ phần.

– Thùng chứa do khách hàng và chủ hàng thỏa thuận.

5.1.2. Xếp lần lượt các bành cao su thành 6 lớp theo quy định sau:

Hoặc theo yêu cầu của khách hàng.

5.1.3. Mỗi lớp cao su được đặt thêm 01 tấm PE ngăn cách giữa 02 lớp; hoặc trải theo hình zic zac bắt đầu từ lớp dưới cùng đến lớp trên cùng của các lớp cao su trong thùng chứa và có độ dày 0,07 mm đến 0,10 mm; hoặc theo yêu cầu của khách hàng.

5.1.4. Đặt nắp lên thùng chứa khi chất đầy cao su, chuyển thùng chứa đến nơi quy định trong kho. Dùng trọng lượng của thùng chứa khác chứa đầy cao su đặt lên trên để nén cho cao su nằm gọn trong thùng chứa. Không được chồng quá 3 thùng cao su lên nhau.

5.1.5. Trong thời gian giằng đè, phải kiểm tra và xử lý hiện tượng bành mủ bị biến dạng tràn ra ngoài miệng thùng chứa (nếu có).

5.1.6. Thời gian giằng nén cao su phải đảm bảo cao su ổn định hình dạng, nắp thùng được đậy liền mặt với thùng chứa cao su.

(Hình minh họa)

5.2. Đối với thành phẩm sử dụng bao bì PE co rút nhiệt (shinkwrap)

5.2.1. Đế pallet bằng gỗ, bằng kim loại hoặc nhựa tùy theo yêu cầu của khách hàng.

5.2.2. Cao su được định hình trong thùng sắt hoặc thùng gỗ. Các bành cao su xếp vào thùng chứa có lót 02 thảm nhựa PE màu trắng đục hoặc không màu, bao kín hết sáu mặt của thùng chứa, dày từ 0,07 mm đến 0,10 mm.

5.2.3. Xếp lần lượt các bành cao su thành 6 lớp theo quy định như mục 5.1.2.

5.2.4. Mỗi lớp cao su được đặt thêm 1 tấm PE ngăn cách giữa 2 lớp; hoặc trải theo hình zic zac bắt đầu từ lớp dưới cùng đến lớp trên cùng của các lớp cao su trong thùng chứa và có độ dày 0,07 mm đến 0,10 mm; hoặc theo yêu cầu của khách hàng.

5.2.5. Đặt nắp lên thùng chứa khi chất đầy cao su, chuyển thùng chứa đến nơi quy định trong kho. Dùng trọng lượng của thùng chứa khác chứa đầy cao su đặt lên trên để nén cho cao su nằm gọn trong thùng chứa. Không được chồng quá 4 thùng lên nhau đối với thùng sắt và 3 thùng đối với thùng gỗ.

5.2.6. Thời gian giằng nén cao su phải đảm bảo cao su ổn định hình dạng, nắp thùng được đậy liền mặt với thùng chứa cao su.

5.3. Đối với cao su RSS bành 111,111 kg:

5.3.1. Bốn bành cao su được đặt trên 1 đế gỗ – tole (mê gỗ).

5.3.2. Dùng trọng lượng của mê gỗ khác chứa đầy cao su đặt lên trên để giằng nén bành cao su, đảm bảo bành cao su ổn định hình dạng.

Điều 6. Hoàn thiện bao bì và ghi nhãn bao bì

6.1. Đối với thành phẩm cao su chứa trong pallet: Mở nắp ra khỏi thùng chứa, đậy 2 tấm thảm PE để phủ kín các bành, đậy nắp lại. Hoàn chỉnh sản phẩm và ghi ký hiệu sản phẩm.

6.2. Đối với thành phẩm sử dụng bao bì PE co rút nhiệt: tháo các thùng chứa, đậy 2 tấm thảm PE phủ kín các bành, dán bảng thông tin sản phẩm trực tiếp tại 02 mặt hông dài kiện mủ, phủ lớp túi PE co rút nhiệt; hoàn thiện bao bì và định hình cao su trên đế pallet bằng dây đai.

6.3. Ký hiệu sản phẩm được ghi theo:

  • TCCS 115 – các dạng thùng chứa cao su thành phẩm trong giao dịch thương mại của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – Công ty Cổ phần.
  • Theo hợp đồng mua bán.

6.4. Trường hợp hạng dự kiến cao su không phù hợp với kết quả kiểm nghiệm thì tiến hành điều chỉnh lô hàng theo thủ tục sản phẩm không phù hợp; làm rõ nguyên nhân, có giải pháp khắc phục phòng ngừa.

Điều 7. Điều kiện kho.

7.1. Kho bảo quản phải sạch sẽ, thông thoáng, không bị ẩm ướt, được che kín nắng và mưa.

7.2. Nền kho phải bằng phẳng, có cao độ đảm bảo không bị nước chảy tràn từ bên ngoài vào. Sàn lưu trữ đảm bảo không bị thẩm thấu, có đủ độ bền chịu được tải trọng của thành phẩm lưu kho và phương tiện vận chuyển

7.3. Nhiệt độ trong kho không quá 40 0C.

7.4. Trong kho phải trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo đúng quy định của nhà nước.

7.5. Cửa kho ở khu vực xuất hàng phải có mái che mưa và đủ rộng để xếp hàng lên xe vận chuyển.

Điều 8. Lưu kho :

(Hình minh họa)

8.1. Đối với thành phẩm chứa trong pallet.

8.1.1. Xếp các thùng chứa cao su theo lô và theo hàng; hàng nọ cách hàng kia, cách tường kho tối thiểu 0,5 mét và theo quy định của phòng cháy chữa cháy.

8.1.2. Xếp theo sơ đồ kho, lô nào sản xuất trước thì xuất kho trước (nguyên tắc FiFo – First in First out).

8.1.3. Thùng chứa cao su trong kho không được chồng quá 03 thùng lên nhau.

8.2. Đối với cao su lưu kho bành rời.

8.2.1. Cao su bành rời được đặt trên đế pallet hoặc trên 01 tấm lót chống tái nhiễm bẩn và chống ẩm ướt. Kiểm tra thay thế các bao bì bị rách.

8.2.2. Cao su trong kho không được chồng quá 06 lớp, xếp lần lượt các bành cao su theo quy định trong mục 5.1.2 và theo lô.

8.2.3. Chia kho theo từng khu vực nhỏ, mỗi khu vực chứa khoảng 20 tấn cao su (tùy theo điều kiện của kho), mỗi khu vực cách nhau 0,5 mét và theo quy định của phòng cháy chữa cháy (có thể trang bị thêm băng tải di động để di chuyển cao su được dễ dàng).

8.2.4. Xếp theo sơ đồ kho, xuất kho theo nguyên tắc FiFo.

8.3. Đối với thành phẩm sử dụng bao bì PE co rút nhiệt (shinkwrap)

8.3.1. Xếp các thùng định hình cao su theo lô và theo hàng; hàng nọ cách hàng kia, cách tường kho tối thiểu 0,5 mét và theo quy định của phòng cháy chữa cháy.

8.3.2. Xếp theo sơ đồ kho, xuất kho theo nguyên tắc FiFo.

8.3.3. Thùng chứa cao su bằng sắt trong kho không được chồng quá 04 thùng cao su và 03 thùng đối với thùng gỗ.

8.4. Đối với bành cao su RSS 111,111 kg

8.4.1. Xếp các mê gỗ chứa cao su theo lô và theo hàng; hàng nọ cách hàng kia, cách tường kho tối thiểu 0,5 mét và theo quy định của phòng cháy chữa cháy.

8.4.2. Xếp theo sơ đồ kho, xuất kho theo nguyên tắc FiFo.

8.4.3. Mê gỗ – tole chứa cao su trong kho không được chồng quá 04 lớp.

8.5. Mô hình sắp xếp lưu kho:

8.5.1. Kho chừa lối đi có bề rộng đủ để phương tiện di chuyển trong kho tối thiểu là 3 mét.

8.5.2. Trường hợp cửa kho nằm ở 2 đầu kho.

 

8.5.3 Trường hợp cửa kho nằm bên hông kho.

8.6. Cao su chứa trong kho trên 6 tháng phải xác định lại chất lượng.