• 177 Hai Bà Trưng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • (84-8) 39 327 341

TỔNG QUAN VỀ THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA

Sau hai tuần giảm mạnh, giá CSTN trên các sàn giao dịch kỳ hạn và thị trường giao ngay tuần qua đã bắt đầu đi ngang và mức giảm có phần chậm lại. Một số nguyên nhân được các nhà phân tích chỉ ra, cụ thể như sau:

  1. Một số quốc gia đã bắt đầu lên kế hoạch khai thác trở lại, tuy nhiên, thời tiết nắng nóng diễn ra khá phức tạp tại Thái Lan, châu Phi và Việt Nam trong tuần qua đã ảnh hưởng đến thời gian mở cạo tại các quốc gia này.
  2. Trong khi đó, các chuyên gia dự đoán sản lượng toàn cầu sẽ thiếu hụt dự kiến ở mức 352.000 tấn trong tháng 4 và 195.000 tấn trong tháng 5.
  3. Đồng đô la Mỹ giảm giá sau tuyên bố của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang hôm 3/4 báo hiệu việc cắt giảm lãi suất vẫn của Fed trong năm nay

Giá dầu tuần này tiếp tục tăng mạnh do những xung đột giữa Israel và Iran có khả năng diễn ra sau vụ tấn công vào Lãnh sự quán Iran tại Damascus, Syria.

1. Giá giao dịch cao su kỳ hạn (Future):

Giá RSS3 trên các sàn giao dịch có diễn biến không tương đồng nhau. Giá trên sàn Shanghai giảm giá từ đầu tuần đến giữa tuần; trên sàn JPX tăng giá từ đầu đến gần cuối tuần trước khi giảm giá trở lại ở phiên cuối tuần; giá trên sàn SGX giảm giá từ đầu tuần đến giữa tuần trước khi quay đầu tăng giá ở hai phiên cuối tuần. So với giá bình quân tuần trước, giá RSS3 trên các sàn tuần này đều giảm, cụ thể: giá trên trên sàn SGX giảm -2,26%, trên sàn JPX tăng +1,03%, giá trên sàn Shanghai tăng +0,04%.

Giá TSR20 trên SGX và giá tham chiếu SMR10/20 trên MRB có diễn biến không tương đồng nhau. Giá SMR10/20 tăng giá ở hai phiên đầu tuần trước khi quay đầu giảm đến cuối tuần; giá TSR20 giảm giá từ đầu đến giữa tuần sau đó tăng giá ở phiên gần cuối tuần trước khi quay đầu giảm trở lại ở cuối tuần. So với tuần trước, giá bình quân của TSR20 và giá SMR10/20 tuần này đều giảm, cụ thể: giá TSR20 tăng +0,35%, giá tham chiếu SMR10/20 giảm -0,35%/-0,35%.

Đối với giá tham chiếu CV, L và Latex trên MRB có diễn biến giảm giá trong tuần. So với tuần trước, giá các sản phẩm CV, L và Latex đều giảm nhẹ, cụ thể: giá CV giảm -1,35%; giá L giảm -1,40%; Latex giảm -1,47%.

Diễn biến giá trung bình trên các sàn giao dịch tương lai tuần qua sau:

Chủng loại Giá tuần 25/3 đến 29/3/2024 (USD/tấn) Giá tuần 01/4 đến 05/4/2024 (USD/tấn) Thay đổi
USD %
RSS3 SGX 2.423,50 2.368,50 -55,00 - 2,26
TSR20 SGX 1.632,50 1.638,25 +5,75  + 0,35
SMR CV 2.786,18 2.748,40 -37,78 - 1,35
SMR L 2.765,67 2.726,90 -38,77 - 1,40
SMR10 1.653,50 1.647,60 -5,90 - 0,35
SMR20 1.642,67 1.636,90 -5,77 - 1,47
Latex 1.622,34 1.598,46 -23,88 + 1,03
RSS3 JPX 2.128,26 2.150,22 21,96 + 0,04
RSS3 Shanghai 2.025,52 2.026,37 +0,85  - 4,37

2. Giá cao su thị trường giao ngay (Physical):

Giá RSS3 trên thị trường giao ngay giảm giá trong cả tuần. So với tuần trước, giá bình quân RSS3 giao ngay tuần giảm -16 USD/tấn, tương đương giảm -0,63%.

Giá V20 trên các thị trường giao ngay có diễn biến không tương đồng nhau. Giá STR20 có diễn biến răng cưa trong tuần; giá SMR20 tăng giá ở hai phiên đầu tuần sau đó giảm giá ở phiên giữa tuần và giữ giá ở phiên kế tiếp trước khi quay đầu tăng giá ở phiên gần cuối tuần. So với tuần trước, giá bình quân giá STR20 tăng +0,11%, giá SMR20 giảm -0,30%.

Giá Latex trên thị trường giao ngay giữ giá ở hai phiên đầu tuần, sau đó tăng giá ở phiên giữa tuần và giữ giá ở phiên kế tiếp trước khi giảm giá ở phiên cuối tuần. So với tuần trước, giá bình quân giá Latex giảm 53 USD/tấn tương đương giảm -3,29%.

Diễn biến giá trung bình các sản phẩm cao su trên thị trường giao ngay tuần qua:

DIỄN BIẾN CỤ THỂ TRÊN CÁC SÀN GIAO DỊCH FUTURE TUẦN QUA

1. Tại Sàn SGX - Singapore (giao dịch kỳ hạn tháng 6/2024):

Giá RSS3 có các phiên tăng và giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 2.385 USD/tấn, sau đó có các phiên điều chỉnh giảm liên tiếp giá xuống mức thấp nhất tuần là 2.358 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh tăng và đến phiên cuối tuần giá tăng lên mức 2.380 USD/tấn.

Giá TSR 20 có các phiên tăng và giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 1.658 USD/tấn, sau đó có các phiên điều chỉnh giảm giá xuống mức thấp nhất tuần là 1.631 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức 1.641 USD/tấn, đến phiên cuối tuần giá giảm xuống mức 1.640 USD/tấn.

Khối lượng giao dịch chủ yếu vẫn là TSR 20, giá tăng ở phiên đầu tuần và bật tăng mạnh ở phiên cuối tuần, các phiên còn lại đều giảm. Lượng giao dịch RSS3 vẫn duy trì ở mức thấp.  

    

Nguồn: SGX

2. Giá tham chiếu trên MRB – Malaysia:

Giá SMR CV và SMR L giảm giá trong cả tuần. Đầu tuần giá ở mức 2.784/2.762 USD/tấn, sau đó có các phiên điều chỉnh giảm liên tiếp đến phiên cuối  tuần xuống mức thấp nhất tuần là 2.708/2.786,5 USD/tấn. (Chi tiết tại Biểu đồ 3).

Giá SMR 10/20 có các phiên tăng và giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 1.649,5/1.639 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức cao nhất tuần là 1.658/1.647 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh giảm giá xuống mức là 1.642,5/1.632 USD/tấn.

Giá cao su Latex giảm giá trong cả tuần. Đầu tuần giá ở mức 1.620,4 USD/tấn, sau đó các phiên điều chỉnh giảm liên tiếp đến phiên cuối tuần giá điều chỉnh giảm xuống mức thấp nhất tuần 1.672,5 USD/tấn. (Chi tiết tại Biểu đồ 4)  

   

Nguồn: MRB

3. Tại Sàn Tocom/Osaka - Nhật Bản (giao dịch kỳ hạn tháng 9/2024):

Giá cao su RSS3 có xu hướng tăng giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 2.143,8 USD/tấn, tiếp đó có các phiên điều chỉnh tăng liên tiếp giá lên mức cao nhất tuần là 2.165 USD/tấn, đến phiên cuối tuần giá điều chỉnh giảm xuống mức là 2.145 USD/tấn.

Khối lượng giao dịch tăng ở phiên giữa tuần, giảm ở các phiên còn lại.

 

Nguồn: JPX

4. Tại Sàn Thượng Hải – Trung Quốc (giao dịch kỳ hạn tháng 9/2024):

Giá cao su RSS3 có các phiên tăng và giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức là 2.031,5 USD/tấn, sau đó có các phiên điều chỉnh giảm giá xuống mức 2.016,8 USD/tấn.

Khối lượng giao dịch giảm ở phiên thứ hai của tuần, các phiên khác tăng.

Nguồn: Shanghai

DIỄN BIẾN GIÁ CAO SU TRÊN THỊ TRƯỜNG GIAO NGAY CHÂU Á

Diễn biến giá cao su trong hai tuần gần nhất, cụ thể như sau:

NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU TRONG NGẮN HẠN

Diễn biến thị trường tương đồng với nhận định của bản tin thị trường số 09: “yếu tố nguồn cung thiếu hụt và giá dầu giữ đà tăng sẽ tiếp tục hổ trợ cho giá cao su duy trì ở mức cao hiện nay trong ngắn hạn”.

Giá CSTN trong tuần qua tiếp tục có sự điều chỉnh giảm bất chấp tình hình thời tiết nắng nóng trên diện rộng tại các nước khai thác CSTN, giá dầu đạt đỉnh cao nhất kể từ tháng 10/2023 và dự đoán nguồn cung CSTN dự kiến tiếp tục thiếu hụt trong tháng 4 và 5/2024.

Trong ngắn hạn, giá CSTN có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thuận lợi và bất lợi đan xen nhau, cụ thể:

1. Cung cầu cao su thiên nhiên toàn cầu:

Tình trạng nắng nóng tại Thái Lan (từ 35 đến 39 độ) và tại Châu Phi (trên 40 độ) đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch khai thác mùa vụ mới của quốc gia này. Các chuyên gia dự đoán sản lượng toàn cầu sẽ thiếu hụt dự kiến ở mức 352.000 tấn trong tháng 4 và 195.000 tấn trong tháng 5.

Trong khi đó, một số khu vực người Hồi giáo tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia sẽ ngưng hoạt động trong tuần tới để đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan.

Về phía cầu, triển vọng đang được cải thiện ở Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu, cụ thể: hoạt động sản xuất sôi nổi của Trung Quốc trong tháng 3, bộ dữ liệu kinh tế của nền kinh tế Mỹ đang mạnh lên và lạm phát chậm lại ở khu vực đồng euro và ở Anh có thể tác động tích cực đến triển vọng nhu cầu cao su tự nhiên.

Bên cạnh đó, theo Jom Jacob – giám đốc website whatnextrubber.com, sản lượng CSTN thế giới trong quý I/2024 đã giảm 8,9% so với cùng kỳ. Sản lượng dự kiến cho cả năm 2024 là 14,467 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, mức tiêu thụ trên thế giới năm 2024 là dự kiến tăng 3,7% lên 15,090 triệu tấn. Như vậy, lương cung cầu năm 2024 vẫn thiếu hụt trên 600.000 tấn.

2. Yếu tố Giá dầu:

Trên thị trường năng lượng, Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,32 USD/thùng, tương đương tăng 0,37%, chốt ở mức 86,91 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,52 USD/thùng, tương đương tăng 0,57%, chốt ở mức 91,17 USD/thùng.

Tuần này, giá cả hai loại dầu đều tăng hơn 4% và đạt mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Động lực tăng chính của giá dầu trong tuần là mối lo về nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa Israel và Iran - một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Một cuộc xung đột như vậy có thể khiến nguồn cung dầu thắt chặt hơn nữa, giữa lúc đã có những dự báo cho rằng nguồn cung dầu toàn cầu năm nay không đủ đáp ứng nhu cầu.

Hiện tại, Israel chưa đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công lãnh sự quán Iran ở Syria vào hôm thứ Hai tuần này, nhưng Iran đã thề sẽ trả đũa. Theo truyền thông Israel, nước này đã đóng cửa 28 sứ quán trên thế giới vì lo bị Iran không kích.

Rủi ro đối với nguồn cung dầu còn đến từ căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu, khi Ukraine tiếp tục dùng thiết bị bay không người lái (drone) để tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga. Theo một quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sản lượng xăng dầu của Nga đã suy giảm vì công suất lọc dầu của nước này giảm 15% do các cuộc tấn công của Ukraine.

Tuần này, liên minh OPEC+ của OPEC và một số thành viên ngoài khối gồm Nga đã ra quyết định giữ nguyên hạn ngạch khai thác dầu và hối thúc một số quốc gia tuân thủ đúng mức hạn ngạch được phân bổ. “Việc tăng cường hơn nữa tuân thủ hạn ngạch sản lượng dầu sẽ khiến lượng dầu cung ứng ra thị trường giảm thêm trong quý 2. Triển vọng thị trường thắt chặt hơn sẽ khiến lượng tồn trữ dầu toàn cầu giảm sút trong nửa sau của năm nay”, nhà phân tích Daniel Hynes của ngân hàng ANZ nhận định trong một báo cáo.

3. Tình hình kinh tế Mỹ và chính sách của FED:

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (5/4), đảo ngược cú giảm mạnh nhất hơn 1 năm của chỉ số Dow Jones trong phiên trước đó, khi nhà đầu tư “ăn mừng” báo cáo việc làm khả quan hơn dự báo và tạm thời rũ bỏ mối lo về lãi suất tăng.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 307,06 điểm, tương đương tăng 0,8%, chốt ở mức 38.904,04 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,11%, đạt 5.204,34 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,24%, chốt ở 16.248,52 điểm. Dù vậy, cả ba chỉ số cùng giảm trong tuần này. Trong đó, Dow Jones giảm 2,27%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu năm. S&P 500 giảm 0,95% và Nasdaq mất 0,8% điểm số.

Phiên tăng này diễn ra bất chấp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 3 tốt hơn nhiều so với dự báo. Khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ tạo được 303.000 công việc mới trong tháng 3, vượt xa con số 200.000 công việc mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tiền lương tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, đều phù hợp với dự báo.

Những số liệu được đưa ra trong bản báo cáo đặt nhà đầu tư vào một tâm trạng giằng co. Một mặt, sự vững vàng thị trường việc làm là một chỉ báo tốt về nền kinh tế, giúp thúc đẩy lợi nhuận của các công ty niêm yết. Nhưng mặt khác, nhà đầu tư cũng muốn thị trường việc làm yếu đi để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Gần đây, các dữ liệu khả quan về kinh tế Mỹ thường được nhà đầu tư xem là tin xấu, vì những dữ liệu như vậy làm suy giảm khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất. Hôm thứ Năm, Dow Jones “bốc hơi” 530 điểm, tương đương giảm 1,35%, mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Giá dầu thô leo thang và phát biểu của Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis - ông Neel Kashkari - cho rằng lạm phát dai dẳng có thể sẽ khiến Fed phải trì hoãn việc giảm lãi suất đã khiến cổ phiếu bị bán tháo.

4. Đồng đô la Mỹ:

Chỉ số Đô la, đo lường sức mạnh của đồng tiền Mỹ so với sáu các loại tiền tệ ngang hàng khác vẫn duy trì ở mức cao 104.29 lúc đóng cửa ngày 05/04/2024. Đồng đô la mạnh hơn có thể tác động tiêu cực đến giá cao su tự nhiên.

5. Tình hình kinh tế Trung Quốc:

Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc đã tăng lên 51,1 trong tháng 3 từ mức 50,9 của tháng trước, cao hơn dự báo của các nhà phân tích là 51,0, cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh nhất trong 13 tháng.

Các số liệu mới công bố gần đây cho thấy kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi. Đó là một dấu hiệu rất mạnh mẽ cho thấy các chính sách giúp kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Trung Quốc đang phát huy hiệu quả và là một dấu hiệu tốt cho cả nền kinh tế Trung Quốc và toàn thế giới.

Khảo sát của Caixin cho thấy sản lượng của các nhà sản xuất và số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng nhanh trong tháng 3, trong khi nhu cầu bên ngoài cũng tăng, đẩy lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới lên mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2023. 

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, vẫn còn quá sớm để nói liệu Trung Quốc cuối cùng đã thoát khỏi khó khăn hay chưa. Cụ thể, các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết rằng sự phục hồi kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục trong thời gian ngắn nhờ các biện pháp kích thích, nhưng sẽ không bền vững. Nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ suy yếu trở lại vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, môi trường bên ngoài vẫn còn nhiều biến động và không chắc chắn.

Trong khi đó, niềm tin của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2023, do nhu cầu thị trường ngày càng tăng. Nhưng theo một cuộc khảo sát độc lập được tiến hành gần đây, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung Quốc vẫn chưa thể hiện xu hướng phục hồi mạnh mẽ mặc dù tâm lý kinh doanh được cải thiện đôi chút trong tháng 3.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng khoảng 5% trong năm nay. Các chuyên gia phân tích cho rằng mục tiêu tăng trưởng này là thực tế. Bởi xuất khẩu từ tháng 1 đến tháng 2 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái là một dấu hiệu tốt. Điều này tạo đà cho xuất khẩu của Trung Quốc có thể tăng 10% trong năm nay.

Tóm lại, giá cao su trong 3 tuần qua liên tục điều chỉnh giảm chủ yếu là do sự điều chỉnh tăng mạnh bất thường liên tục trong những tuần trước đó. Trong khi các yếu tố cơ bản như hiện nay đang hổ trợ cho giá cao su. Thị trường cao su sau tết Âm lịch có biểu hiện mức biến động giá chênh lệch bất thường giữa các chủng loại cao su, ngay cả giá của cùng một chủng loại cũng có sự chênh lệch bất thường giữa các thị trường khác nhau. Điều đó biểu hiện sự thiếu ổn định của tâm lý thị trường. Sự biến động giá chịu tác động chủ yếu bởi tâm lý thị trường thiếu ổn định và chưa xác lập xu hướng và mức giá phù hợp với các yếu tố cơ bản của thị trường.

Dự báo trong ngắn hạn, giá cao su sẽ vẫn tiếp tục trong tình trạng điều chỉnh lại những bất thường tạo ra từ sau tết Âm lịch. Sự điều chỉnh sẽ thu hẹp mức chênh lệch phù hợp giữa các chủng loại sản phẩm. Điều chỉnh mức chênh lệch giá của cùng chủng loại giữa các thị trường khác nhau. Theo đó, biến động giá thị trường sẽ không tương đồng và có tăng có giảm giá các sản phẩm và giá trên thị trường khác nhau.

Tuy nhiên, với các yếu tố cơ bản như hiện nay, giá cao su vẫn sẽ duy trì ở mức cao so với cuối năm 2023. Sự điều chỉnh giảm nếu có chỉ là sự điều chỉnh so với mức tăng bất thường trước đó mà thôi, không phải xu hướng của thị trường.

CÁC THÔNG TIN LIÊN QUAN

1. Thông tin từ thị trường Trung Quốc và các khu vực khác:

- Hiệp hội ô tô khách: Doanh số bán lẻ thị trường ô tô du lịch trong tháng 3 dự kiến đạt 1,699 triệu chiếc, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Indonesia đã xuất khẩu tổng cộng 263.000 tấn cao su tự nhiên và cao su hỗn hợp trong hai tháng đầu năm, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng xuất khẩu sang Trung Quốc là 18.000 tấn, giảm 72% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Tính đến ngày 31 tháng 3 năm 2024, tổng tồn kho cao su thiên nhiên ngoại quan và thương mại tổng hợp tại Thanh Đảo là 659.800 tấn, giảm 8.200 tấn hay   1,22% so với kỳ trước.

2. Giá dầu thô:

- Giá xăng dầu thế giới vẫn giữ được đà tăng, kết thúc tuần ở mức cao hơn 91 USD/thùng, khi thị trường dõi theo bất kỳ dấu hiệu xung đột trực tiếp nào giữa Israel và Iran để khẳng định nguồn cung có thể thắt chặt hơn nữa trong tương lai.

- Giá dầu Brent tăng lên mức 91,17 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng  86,91 USD/thùng.

Nguồn: Bloomberg

3. Giá Ngoại tệ:

- Tỷ giá ngày 5/4/2024 tăng lên mức 24.780 đồng/USD.

Nguồn: Ngân hàng CPTM ngoại thương (VCB)

Nguồn : Ngân hàng BNM Malaysia

Nguồn : exchangerates.org.uk

Nguồn : exchangerates.org.uk

Ghi chú

1. “Bản tin thị trường của Ban Thị Trưởng kinh doanh (Ban TTKD Tập Đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) được biên tập dự trên các nguồn tài liệu chính thức như:
  • Thông tin cập nhật từ các sàn giao dịch future.
  • Báo cáo định kỳ của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su (ARNPC)
  • Bản tin định kỳ của Hiệp Hội cao su Việt Nam.
  • Các thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh, thu mua cung cấp từ các đơn vị thành viên của Tập Đoàn.
  • ...

2. Bản tin chỉ cung cấp cho lãnh đạo Tập Đoàn và các đơn vị Cty thành viên để theo dõi xu hướng của thị trường và chỉ được lưu hành nội bộ.

3. Một số phân tích và nhận định trong bản tin chỉ có tính tham khảo. Cá nhân tổ chức trong Tập Đoàn được chia sẻ bản tin này có thể sử dụng để có phân tích và nhận định riêng. Ban TTKD không chịu trách nhiệm việc sử dụng bản tin cho quyết định kinh doanh của tổ chức cá nhân cũng như không chịu trách nhiệm việc chia sẻ bản tin này cho các tổ chức, cá nhân không có trong danh mục được chia sẻ. “