• 177 Hai Bà Trưng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • (84-8) 39 327 341

TỔNG QUAN VỀ THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA

Giá CSTN trên các sàn giao dịch kỳ hạn và thị trường giao ngay tuần  qua diễn biến không tương đồng nhau nhưng hầu hết vẫn theo chiều hướng giảm. Một số nguyên nhân được các nhà phân tích nhận định, cụ thể như sau:

  • Yếu tố tích cực
  1. Sản lượng tại hầu hết khu vực phía Đông Nam Á giảm mạnh khi đang vào giữa kỳ ngưng cạo hàng năm.
  2. Mưa liên tục tại miền Nam Thái Lan làm cho sản lượng khu vực này giảm mạnh, bên cạnh đó giá mủ nước giảm mạnh đã không kích thích được người dân.
  3. Giá dầu tăng do các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, Venezuela.
  4.  Đồng đô la Mỹ giảm nhẹ trong tuần.
  • Yếu tố tiêu cực:
  1. Nhu cầu về CSTN tại Trung Quốc vẫn còn yếu do áp lực giải phóng lượng hàng thành phẩm tồn kho còn cao.
  2. Tồn kho Thanh Đảo tiếp tục duy trì đà tăng khi lượng hàng giao tháng 2, 3 bị trì hoãn tiếp tục cập cảng.
  3.  Xung đột Nga - Ukraine  chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, sau thỏa thuận ngừng bắn 30 ngày thì cả hai đã cáo buộc nhau vi phậm thỏa thuân nêu trên
  4. Căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng khi Ông Trump tuyên bố duy trì việc áp thuế có qua có lại vào 2/4 tới, đồng thời tiếp tục áp 25% thuế lên toàn bộ xe hơi nhập khẩu vào Mỹ. Điều này khiến thị trường giảm mạnh vào cuối tuần qua.

1. Giá giao dịch cao su kỳ hạn (Future):

  Giá RSS3 trên các sàn giao dịch có diễn biến không tương đồng nhau. Giá trên sàn JPX và Shanghai diễn biến răng cưa và theo xu hướng giảm; giá trên sàn SGX tăng giá ở hai phiên đầu tuần sau đó giảm giá ở phiên giữa tuần tiếp đó tăng giá ở hai phiên cuối tuần. So với giá bình quân tuần trước, giá RSS3 trên các sàn tuần này có mức tăng/giảm khác nhau, cụ thể: giá trên trên sàn SGX tăng 3,23%, trên sàn JPX tăng 1,53%, trên sàn Shanghai giảm -0,67%.

  Giá TSR20 trên SGX và giá tham chiếu SMR10/20 trên MRB có có diễn biến không tương đồng nhau. Giá TSR20 diễn biến răng cưa trong tuần; trong khi giá SMR10/20 tăng giá ở hai phiên đầu tuần sau đó giảm giá đến cuối tuần. So với tuần trước, giá bình quân của TSR20 và giá SMR10/20 tuần này đều tăng nhẹ, cụ thể: giá TSR 20 tăng +0,38%, giá tham chiếu SMR10/20 tăng +0,78%/+0,79%.

  Đối với giá tham chiếu CV, L và Latex trên MRB có diễn biến giảm giá từ đầu tuần đến cuối tuần. So với tuần trước, giá các sản phẩm CV, L và Latex đều giảm, cụ thể: giá CV giảm -2,07%; giá L giảm -2,09%; Latex giảm -1,05%.

  Diễn biến giá trung bình trên các sàn giao dịch tương lai tuần qua sau:

2. Giá cao su thị trường giao ngay (Physical):

  Giá RSS3 trên thị trường giao ngay có diễn biến răng cưa trong tuần. So với tuần trước, giá bình quân RSS3 giao ngay tuần này tăng +32,67 USD/tấn, tương đương tăng +1,36%.

  Giá V20 trên các thị trường giao ngay có không tương đồng nhau. Giá STR20 có diễn biến răng cưa trong tuần; giá SMR20 tăng giá ở hai phiên đầu tuần sau đó giảm giá ở phiên giữa tuần và giữ giá ở phiên kế tiếp trước khi giảm giá ở phiên cuối tuần. So với tuần trước, giá bình quân giá STR 20 tăng +4,06%, giá SMR 20 tăng +1,1%.

  Giá Latex trên thị trường giao ngay sau phiên đầu tuần giá giảm ở phiên thứ hai sau đó tăng giá ở hai phiên kế tiếp trước khi quay đầu giảm giá ở phiên cuối tuần. So với tuần trước, giá bình quân Latex giảm -1,69 USD/tấn tương đương giảm -0,11%.

  Diễn biến giá trung bình các sản phẩm cao su trên thị trường giao ngay tuần qua:

 

DIỄN BIẾN CỤ THỂ TRÊN CÁC SÀN GIAO DỊCH FUTURE TUẦN QUA

1. Tại Sàn SGX - Singapore (giao dịch kỳ hạn tháng 05/2025):

  Giá RSS3 có diễn biến dạng răng cưa trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 2.356 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức 2.400 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh giảm giá xuống mức 2.399 USD/tấn, kế tiếp đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức 2.450 USD/tấn và giữ giá ở phiên cuối tuần kế tiếp.

  Giá TSR 20 có các phiên điều chỉnh tăng và giảm trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 1.986 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh giảm liên tiếp giá xuống mức 1.959 USD/tấn, có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức 1.971 USD/tấn, đến phiên cuối tuần giá điều chỉnh giảm xuống mức 1.941 USD/tấn.

  Khối lượng giao dịch chủ yếu vẫn là TSR 20, tăng ở phiên đầu tuần, các phiên còn lại đều giảm. Lượng giao dịch RSS3 vẫn duy trì ở mức thấp. 

                                                                                            Biểu đồ 1                                                                      Biểu đồ 2

  

Nguồn: SGX

2. Giá tham chiếu trên MRB – Malaysia:

   Giá SMR CV và SMR L giảm giá trong cả tuần. Phiên đầu tuần giá ở mức 2.673/2.650 USD/tấn, sau đó có các phiên điều chỉnh giảm liên tiếp đến phiên cuối tuần giá điều chỉnh xuống mức thấp nhất tuần là 2.613/2.590 USD/tấn,. (Chi tiết tại Biểu đồ 3).

   Giá SMR 10/20 có các phiên điều chỉnh tăng và giảm trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 2.053/2.042 USD/tấn, sau đó có các phiên điều chỉnh tăng giá lên mức cao nhất tuần là 2.059/2.048 USD/tấn, tiếp sau đó có các phiên điều chỉnh giảm liên tiếp đến phiên cuối tuần xuống mức thấp nhất tuần là 2.019/2.007 USD/tấn.

   Giá cao su Latex giảm giá trong cả tuần. Đầu tuần giá ở mức 1.551,9 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh phiên điều giảm liên tiếp đến phiên cuối tuần xuống mức thấp nhất tuần là 1.514,3 USD/tấn. (Chi tiết tại Biểu đồ 4) 

                                                                                                   Biểu đồ 3                                                                     Biểu đồ 4            

   

Nguồn: MRB

3. Tại Sàn Tocom/Osaka - Nhật Bản (giao dịch kỳ hạn tháng 08/2025):

  Giá cao su RSS3 có diễn biến răng cưa trong tuần. Phiên đầu tuần giá ở mức 2.343,1 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức 2.368,2 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh giảm xuống mức thấp nhất tuần là 2.363,7 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức 2.369,7 USD/tấn, đến phiên cuối tuần giá điều chỉnh giảm giá xuống mức thấp nhất tuần là 2.329,6 USD/tấn.

  Khối lượng giao dịch tăng ở phiên thứ hai và phiên giữa tuần, giảm ở các phiên còn lại.

                                                                                              Biểu đồ 5                                                                     Biểu đồ 6


Nguồn: JPX

4. Tại Sàn Thượng Hải – Trung Quốc (giao dịch kỳ hạn tháng 05/2025) :

  Giá cao su RSS3 có diễn biến dạng răng cưa trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 2.346,4 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức cao nhất tuần 2.360,3 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh giảm giá xuống mức 2.347,9 USD/tấn, kế tiếp đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức 2.350,55 USD/tấn, đến phiên cuối tuần điều chỉnh giảm xuống mức thấp nhất tuần 2.320,47 USD/tấn.

  Khối lượng giao dịch tăng ở phiên cuối tuần, giảm ở các phiên còn lại.

   Biểu đồ 7                                                                    Biểu đồ 8

Nguồn: Shanghai

DIỄN BIẾN GIÁ CAO SU TRÊN THỊ TRƯỜNG GIAO NGAY CHÂU Á

       Diễn biến giá cao su trong hai tuần gần nhất, cụ thể như sau:

NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU TRONG NGẮN HẠN

  Giá CSTN trên các sàn giao dịch kỳ hạn và thị trường giao ngay tuần  qua diễn biến không tương đồng nhau nhưng vẫn theo chiều hướng giảm do áp lực từ việc Mỹ công bố sẽ tiếp tục áp thuế “có qua có lại” vào 02/4, đồng thời áp thêm 25% thuế lên tất cả xe hơi nhập khẩu vào Mỹ. Nhà đầu tư đang thực sự hết sức cẩn trọng và  lo ngại cao độ về các chính sách cùng sự thiếu nhất quán trong chính sách của ông Trump.

  Trong ngắn hạn, giá CSTN có thể sẽ vẫn chịu tác động từ các yếu tố tích cực và tiêu cực, cụ thể:

  1. Cung cầu cao su thiên nhiên toàn cầu:

   Sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đang giảm mạnh do đã bước vào mùa ngưng cạo hàng năm tại các khu vực sản xuất chính ở Đông Bắc Thái Lan và Việt Nam. Trong khi sản lượng ở miền nam Thái Lan đã giảm đáng kể, khiến nguồn cung toàn cầu càng khan hiếm. Tuy nhiên, dự báo mùa khai thác năm nay tại khu vực Đông Nam Bộ của Việt Nam có thể bắt đầu sớm vào đầu tháng Tư do đã có mưa rải rác và vườn cây có bộ lá hình thành ổn định.

  Trong tháng 1-2/2025, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 392.000 tấn cao su thiên nhiên, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2024; nhập khẩu cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp là 614.000 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2024.

  Tính đến ngày 23/3/2025, tổng tồn kho cao su thiên nhiên tại Thanh Đảo tăng lên mức 603.200 tấn, tăng 3.000 tấn hay tăng  0,5% so với kỳ trước.

  2. Yếu tố giá Dầu:

   Giá dầu thô Brent giao sau tại London phiên thứ Sáu (28/3) giảm 0,4 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, chốt ở 73,63 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,56 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, chốt ở mức 69,36 USD/thùng. Cả tuần, giá dầu Brent tăng 1,9% và giá dầu WTI tăng 1,6%. Sau khi chạm đáy của nhiều tháng vào đầu tháng này, giá dầu Brent đến nay đã phục hồi hơn 7% và giá dầu WTI tăng hơn 6%.

   Các nhà phân tích của JPMorgan Chase lưu ý rằng các chỉ báo có tần suất cao về nhu cầu dầu vẫn đang duy trì tương đối tốt. Số liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ trong tuần này cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của nước này giảm 3,3 triệu thùng trong tuần trước, còn 433,6 triệu thùng, thay vì giảm chưa đầy 1 triệu thùng như dự báo.

   Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu từ Iran và Venezuela do các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tuần này, ông Trump tuyên bố áp thuế quan 25% lên các quốc gia nhập khẩu dầu thô Venezuela.

   Theo giới phân tích, biện pháp thuế quan của Mỹ có thể khiến sản lượng dầu thô của Venezuela giảm ít nhất 200.000 thùng/ngày trong năm nay. Chưa kể, chủ trương của ông Trump là khiến xuất khẩu dầu của Iran giảm về 0.

   Nhà phân tích Alex Hodes của công ty StoneX nhận định nguồn cung dầu toàn cầu trong quý 2 năm nay có thể thắt chặt hơn so với dự báo ban đầu. “Nếu nguồn cung dầu từ Venezuela và Iran giảm xuống, đó chắc chắn sẽ là một yếu tố giá lên đối với dầu”, ông Hodes nói với hãng tin Reuters.

  3. Tình hình kinh tế Mỹ và các thông tin về FED:

   Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên ngày thứ Sáu (28/3), Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 715,8 điểm, tương đương giảm 1,69%, còn 41.583,9 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 1,97%, còn 5.580,94 điểm, hoàn tất tuần giảm thứ 5 trong vòng 6 tuần trở lại đây. Chỉ số Nasdaq mất 2,7%, còn 17.322,99 điểm.

   Tính cả tuần, S&P 500 giảm 1,53%, Dow Jones trượt 0,96% và Nasdaq sụt 2,59%. Từ đầu tháng tới nay, Nasdaq đã giảm hơn 8%, tiến tới hoàn tất tháng mất điểm nhất kể từ tháng 12/2022.

   So với cùng kỳ năm trước, PCE lõi tăng 2,8%, và so với tháng trước, chỉ số này tăng 0,4%. Những con số này đều cao hơn so với dự báo là tăng tương ứng 2,7% và 0,3% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

   Ngoài ra, số liệu về tiêu dùng cũng gây lo ngại, với chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng 0,4% trong tháng 2 so với tháng trước, không đạt dự báo là tăng 0,5%, dù thu nhập tăng 0,8% so với dự báo tăng 0,4%.

   “Thị trường đương đầu với thách thức từ cả hai phía. Đang có nhiều bấp bênh về kế hoạch thuế quan có đi có lại dự kiến được công bố vào tuần tới. Các ngành xuất khẩu quan trọng như công nghệ đang đối mặt với rủi ro tiềm ẩn từ thuế quan này. Bên cạnh đó là mối lo về người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vì giá cả tăng cao, ảnh hưởng bất lợi đến những nhóm cổ phiếu như tiêu dùng tùy ý”, trưởng chiến lược Scott Helfstein của công ty Global X nhận xét với hãng tin CNBC.

   Hàng loạt tuyên bố thuế quan của chính quyền Trump đã khiến giới đầu tư bất an cao độ trong những tuần vừa rồi. Đầu tuần này, ông Trump tuyên bố áp thuế quan 25% lên “tất cả ô tô không sản xuất tại Mỹ” - một động thái khiến cổ phiếu ô tô bị bán tháo và làm gia tăng rủi ro suy thoái kinh tế. Hiện tại, thị trường đang chờ tới ngày 2/4, thời điểm ông Trump dự kiến công bố thuế quan có đi có lại.

   Ngày thứ Sáu, Thủ tướng Canada Mark Carney nói với ông Trump rằng Chính phủ nước này sẽ triển khai thuế quan trả đũa sau khi Mỹ đưa ra thuế quan có đi có lại vào ngày thứ Tư tuần tới. Trước đó, hãng tin Bloomberg đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét những nhượng bộ mà khối có thể đưa ra với ông Trump để được giảm thuế quan này.

 4. Đồng đô la Mỹ:

   Đồng đô la Mỹ tuần này giảm nhẹ, chốt phiên ngày Thứ Sáu (28/3) chỉ số đô la được giao dịch ở mức ở mức 104,01.

 5. Tình hình kinh tế Trung Quốc:

   Một số định chế tài chính toàn cầu gần đây đã trở nên lạc quan hơn về triển vọng kinh tế Trung Quốc. Họ cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang diễn ra mạnh hơn dự báo nhờ nỗ lực kích thích của Bắc Kinh.

  Trong vòng 1 tháng trở lại đây, các nhà kinh tế của các ngân hàng HSBC, ANZ và Citi Group đều đã nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2025 của Trung Quốc, lên tương ứng 4,8%, 4,8% và 4,7% so với dự báo trước đó lần lượt là 4,5%, 4,3% và 4,2%. Việc điều chỉnh dự báo như vậy đưa kỳ vọng của các ngân hàng này tới gần hơn với mục tiêu đầy tham vọng là tăng trưởng kinh tế khoảng 5% mà Bắc Kinh đã đặt ra cho năm nay.

   Một số điều chỉnh đã được đưa ra ngay sau khi Trung Quốc vào tuần trước công bố các dữ liệu kinh tế đầu năm 2025 bất ngờ tốt hơn dự kiến.

   Sự khởi sắc trong các dữ liệu được cho là phản ánh kết quả của việc Chính phủ Trung Quốc bắt đầu tung ra các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn vào mùa thu năm ngoái. Trong tháng 1 và tháng 2/2025, doanh thu bán lẻ - thước đo chi tiêu của người tiêu dùng - tăng tốc, trong khi đầu tư và sản xuất công nghiệp đều tăng trưởng cao hơn dự báo.

   Tiếp nối các đợt kích thích trước đó, Bắc Kinh trong tháng 3 này cho biết sẽ tăng vay nợ để củng cố sự phục hồi của nền kinh tế. Việc tăng nợ chính phủ là một phần của gói chính sách rộng hơn nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

   Gói chính sách này còn bao gồm một kế hoạch toàn diện khuyến khích người dân tiêu dùng nhiều hơn, trên cơ sở tăng thu nhập hộ gia đình và tăng cường phúc lợi xã hội. Giới chức Trung Quốc cũng đã cam kết sẽ có các biện pháp ổn định thị trường nhà ở và thị trường chứng khoán.

   “Quyết tâm lớn hơn của Chính phủ Trung Quốc trong việc hỗ trợ tăng trưởng, phản ứng chính sách mạnh mẽ và quyết liệt hơn để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, và các số liệu khả quan hơn dự kiến về hoạt động kinh tế ​​là những lý do chính khiến chúng tôi lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc” - các nhà kinh tế tại HSBC cho biết trong một báo cáo vào tuần trước.

   Không chỉ các nhà kinh tế trở nên lạc quan hơn. Đối với nhiều khách hàng của Goldman Sachs, Trung Quốc đã trở lại vị trí một trung tâm cho các cơ hội đầu tư. Hầu hết các nhà đầu tư tin rằng câu chuyện về trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc là một nhân tố thay đổi cuộc chơi, mặc dù vẫn còn một số hoài nghi nhất định. Nhà đầu tư cũng hoan nghênh việc Trung Quốc nới lỏng sức ép quản lý đối với khu vực tư nhân - các chiến lược gia của Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo.

   Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế nhận định chính sách thuế quan của ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc có thể gây trở ngại cho sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ này, ông Trump đã áp thuế quan bổ sung 20% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời đe dọa sẽ áp thêm thuế quan mới trong tháng 4. Thuế quan của Mỹ có thể làm suy yếu xuất khẩu của Trung Quốc, điểm sáng duy nhất của nền kinh tế nước này ở thời điểm hiện tại.

   Tóm lại, trong ngắn hạn giá CSTN đang được hỗ trợ từ nguồn cung thiếu hụt do đang giữa các tháng ngưng cạo; những kỳ vọng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc; Giá dầu tăng trở lại. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu giảm nhiệt; nỗi lo ngại ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại đang gia tăng giữa  Mỹ với các đối tác nhất là đối với Trung Quốc cùng với những bất ổn, khó lường trong các chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump vẫn là áp lực đối với giá CSTN trong thời gian tới.

CÁC THÔNG TIN LIÊN QUAN

1. Thông tin từ thị trường Trung Quốc và các khu vực khác:

 - Sản lượng cao su thiên nhiên của Ấn Độ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước lên 876.000 tấn vào năm 2024, so với mức 849.000 tấn cùng kỳ năm 2023. Tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm 2023 xuống còn 1,402 triệu tấn, so với mức 1,408 triệu tấn cùng kỳ năm 2023.

2. Giá Dầu thô:

- Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần (ngày 28-3), giá dầu giảm nhẹ. Giá dầu “hạ nhiệt” sau khi thị trường nắm được thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch công bố mức thuế quan tương hỗ nhằm vào nhiều loại hàng nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 2-4.

- Giá dầu Brent tăng lên mức 73,63 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm tăng lên mức 69,36 USD/thùng.

Biểu đồ: 10

Nguồn: Bloomberg

3. Giá Ngoại tệ:

- Tỷ giá ngày 28/3/2025 tăng lên mức 25.400 đồng/USD.

Nguồn: Ngân hàng CPTM ngoại thương (VCB)

Nguồn : Ngân hàng BNM Malaysia

Nguồn : exchangerates.org.uk

Nguồn : exchangerates.org.uk

Ghi chú

1. “Bản tin thị trường của Ban Thị Trưởng kinh doanh (Ban TTKD Tập Đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) được biên tập dự trên các nguồn tài liệu chính thức như:
  • Thông tin cập nhật từ các sàn giao dịch future.
  • Báo cáo định kỳ của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su (ARNPC)
  • Bản tin định kỳ của Hiệp Hội cao su Việt Nam.
  • Các thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh, thu mua cung cấp từ các đơn vị thành viên của Tập Đoàn.
  • ...

2. Bản tin chỉ cung cấp cho lãnh đạo Tập Đoàn và các đơn vị Cty thành viên để theo dõi xu hướng của thị trường và chỉ được lưu hành nội bộ.

3. Một số phân tích và nhận định trong bản tin chỉ có tính tham khảo. Cá nhân tổ chức trong Tập Đoàn được chia sẻ bản tin này có thể sử dụng để có phân tích và nhận định riêng. Ban TTKD không chịu trách nhiệm việc sử dụng bản tin cho quyết định kinh doanh của tổ chức cá nhân cũng như không chịu trách nhiệm việc chia sẻ bản tin này cho các tổ chức, cá nhân không có trong danh mục được chia sẻ. “