TỔNG QUAN VỀ THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA
Giá CSTN trên các sàn giao dịch kỳ hạn và thị trường giao ngay tuần qua có diễn biến gần như tương đồng nhau khi tăng mạnh ở ngày đầu tuần và sau đó giảm điểm đến cuối tuần. Một số nguyên nhân được các nhà phân tích chỉ ra, cụ thể như sau:
- Áp lực dai dẳng của lạm phát đang đè nặng lên nền kinh tế khiến khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.
- Đồng đô la Mỹ tăng mạnh sau số liệu lạm phát do tác động tiêu cực tới thị trường hàng hoá.
- Giá dầu tuần này tiếp tục duy trì ở mức cao do khả năng xung đột leo thang ở Trung Đông.
- Các nhà đầu tư có xu hướng rút khỏi thị trường chứng khoang và hàng hóa để tập trung trú ẩn vào đồng USD
1. Giá giao dịch cao su kỳ hạn (Future):
Giá RSS3 trên các sàn giao dịch có diễn biến không tương đồng nhau. Giá trên sàn Shanghai diễn biến răng cưa từ đầu tuần đến giữa tuần và sau đó giảm giá đến cuối tuần; trong khi đó, trên sàn JPX và sàn SGX tăng giá ở hai phiên đầu tuần sau đó quay đầu giảm đến cuối tuần. So với giá bình quân tuần trước, giá RSS3 trên các sàn tuần này có mức tăng/ giảm khác nhau, cụ thể: giá trên trên sàn SGX giảm -1,21%, trên sàn JPX giảm -0,78%, giá trên sàn Shanghai tăng +1,96%.
Giá TSR20 trên SGX và giá tham chiếu SMR10/20 trên MRB có diễn biến không tương đồng nhau. Giá SMR10/20 do nghỉ lễ nên chỉ có hoạt động ở hai phiên đầu tuần và cuối tuần, sau phiên đầu tuần tăng mạnh thì đến phiên cuối tuần giá lại giảm mạnh; giá TSR20 tăng giá ở hai phiên đầu tuần sau đó quay đầu giảm giá đến hết tuần. So với tuần trước, giá bình quân của TSR20 và giá SMR10/20 tuần này đều tăng, cụ thể: giá TSR20 tăng +0,91%, giá tham chiếu SMR10/20 tăng +1,49%/+1,51%.
Đối với giá tham chiếu CV, L và Latex trên MRB có diễn biến gần như không thay đổi. So với tuần trước, giá các sản phẩm CV, L và Latex đều giảm nhẹ, cụ thể: giá CV giảm -2,40%; giá L giảm -2,41%; Latex giảm -2,36%.
Diễn biến giá trung bình trên các sàn giao dịch tương lai tuần qua sau:
Chủng loại | Giá tuần 01/4 đến 05/4/2024 (USD/tấn) | Giá tuần 08/4 đến 12/4/2024 (USD/tấn) | Thay đổi | |
USD | % | |||
RSS3 SGX | 2.368,50 | 2.339,80 | -28,70 | - 1,21 |
TSR20 SGX | 1.638,25 | 1.653,20 | +14,95 | + 0,91 |
SMR CV | 2.748,40 | 2.685425 | -66,15 | - 2,40 |
SMR L | 2.726,90 | 2661,00 | -65,90 | - 2,41 |
SMR10 | 1.647,60 | 1672,250 | +24,65 | +1,49 |
SMR20 | 1.636,90 | 1.661,75 | +24,84 | +1,51 |
Latex | 1.598,46 | 1.560,69 | -37,77 | -2,36 |
RSS3 JPX | 2.150,22 | 2.133,36 | -16,86 | -0,78 |
RSS3 Shanghai | 2.026,37 | 2066,14 | +39,77 | +1,96 |
2. Giá cao su thị trường giao ngay (Physical):
Giá RSS3 trên thị trường giao ngay tăng giá hai phiên đầu tuần sau đó quay đầu giảm giá đến hết tuần. So với tuần trước, giá bình quân RSS3 giao ngay tuần giảm -45,77 USD/tấn, tương đương giảm -1,82%.
Giá V20 trên các thị trường giao ngay có diễn biến không tương đồng nhau. Giá STR20 tăng giá từ đầu tuần đến giữa tuần sau đó quay đầu giảm giá; giá SMR20 giảm giá ở phiên thứ hai sau đó giữ ổn định đến cuối tuần. So với tuần trước, giá bình quân giá STR20 tăng +0,32%, giá SMR20 tăng +2,5%.
Giá Latex trên thị trường giao ngay giảm giá trong cả tuần. So với tuần trước, giá bình quân giá Latex giảm -14,17 USD/tấn tương đương giảm -0,91%.
Diễn biến giá trung bình các sản phẩm cao su trên thị trường giao ngay tuần qua:
DIỄN BIẾN CỤ THỂ TRÊN CÁC SÀN GIAO DỊCH FUTURE TUẦN QUA
1. Tại Sàn SGX - Singapore (giao dịch kỳ hạn tháng 6/2024):
Giá RSS3 có các phiên tăng và giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 2.327 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức 2.352 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh giảm đến phiên cuối tuần giảm xuống mức 2.308 USD/tấn.
Giá TSR 20 có các phiên tăng và giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 1.627 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức cao nhất tuần là 1.696 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh giảm đến phiên cuối tuần xuống mức 1.636 USD/tấn.
Khối lượng giao dịch chủ yếu vẫn là TSR 20, giá tăng tăng mạnh ở phiên cuối tuần, các phiên còn lại đều giảm. Lượng giao dịch RSS3 vẫn duy trì ở mức thấp.
Nguồn: SGX
2. Giá tham chiếu trên MRB – Malaysia:
Giá SMR CV và SMR L nghỉ lễ nên chỉ giao dịch ở đầu và cuối tuần. Đầu tuần giá ở mức 2.682/2.661 USD/tấn, đến phiên cuối tuần giá tăng nhẹ lên 2.783/2.661,5 USD/tấn. (Chi tiết tại Biểu đồ 3).
Giá SMR 10/20 nghỉ lễ nên chỉ giao dịch ở đầu và cuối tuần. Đầu tuần giá ở mức 1.687/1.677 USD/tấn, đến phiên cuối tuần giá điều chỉnh giảm xuống giá1.657,5/1.647 USD/tấn.
Giá cao su Latex nghỉ lễ nên chỉ giao dịch ở đầu và cuối tuần. Đầu tuần giá ở mức 1.560 USD/tấn, đến phiên cuối tuần giá điều chỉnh tăng lên mức 1.661,4 USD/tấn. (Chi tiết tại Biểu đồ 4)
Nguồn: MRB
3. Tại Sàn Tocom/Osaka - Nhật Bản (giao dịch kỳ hạn tháng 9/2024):
Giá cao su RSS3 có các phiên tăng và giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 2.145,4 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức cao nhất tuần là 2.194,3 USD/tấn, sau đó có các phiên điều chỉnh giảm liên tiếp đến phiên cuối tuần xuống mức 2.060 USD/tấn.
Khối lượng giao dịch tăng ở phiên giữa tuần, giảm ở các phiên còn lại.
Nguồn: JPX
4. Tại Sàn Thượng Hải – Trung Quốc (giao dịch kỳ hạn tháng 9/2024):
Giá cao su RSS3 có các phiên tăng và giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức là 2.083 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh giảm giá xuống mức 2.073,8 USD/tấn, tiếp đó co phiên điều chỉnh giá tăng giá lên mức cao nhất tuần là 2.085,9 USD/tấn, tiếp sau đó có phiên điều chỉnh giảm đến phiên cuối tuần xuống mức thấp 2.031,9 USD/tấn.
Khối lượng giao dịch giảm ở phiên thứ hai của tuần, các phiên khác tăng.
Nguồn: Shanghai
DIỄN BIẾN GIÁ CAO SU TRÊN THỊ TRƯỜNG GIAO NGAY CHÂU Á
Diễn biến giá cao su trong hai tuần gần nhất, cụ thể như sau:
NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU TRONG NGẮN HẠN
Diễn biến giá cao su tuần qua khá tương đồng với phân tích, nhận định trong bản tin tuần số 10: “Giá cao su sẽ vẫn tiếp tục trong tình trạng điều chỉnh lại những bất thường tạo ra từ sau tết Âm lịch. Sự điều chỉnh sẽ thu hẹp mức chênh lệch phù hợp giữa các chủng loại sản phẩm. Điều chỉnh mức chênh lệch giá của cùng chủng loại giữa các thị trường khác nhau. Theo đó, biến động giá thị trường sẽ không tương đồng và có tăng có giảm giá các sản phẩm và giá trên thị trường khác nhau”.
Điển hình:
i. Giá của cùng chủng loại sản phẩm trên thị trường tương lai đã có sự điều chỉnh dần mức chênh lệch trước đó. Chẳng hạn giá RSS (SGX) hiện đang chênh lệch cao hơn giá cùng chủng loại trên (JPX) và Shanghai. Tuần qua đã có sự điều chỉnh giảm trên SGX và tăng trên Shanghai
- Giá RSS (SGX) đang có mức 2.368 usd giảm còn 2.339 usd = - 1,21%
- Giá RSS (JPX) đang có mức 2.150 usd giảm còn 2.133 usd = - 0.78%
- Giá RSS (Shanghai) đang có mức 2.026 usd tăng 2.066 usd = +1,96%.
ii. Chênh lệch giá giữa RSS và TSR10 hiện đang có mức chênh lệch khá lớn. Chẳng hạn trên thị trường giao ngay giá RSS3 tuần trước là 2.519usd. Giá TSR20 1.768usd. Diễn biến giá tuần qua giá RSS giảm trong khi giá TSR và SMR lại tăng.
Trong ngắn hạn, giá CSTN có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thuận lợi và bất lợi đan xen nhau, cụ thể:
1. Cung cầu cao su thiên nhiên toàn cầu:
Tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài tại Thái Lan, Việt Nam đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch khai thác mùa vụ mới của những quốc gia này. Các chuyên gia dự đoán sản lượng toàn cầu sẽ thiếu hụt dự kiến ở mức 352.000 tấn trong tháng 4 và 195.000 tấn trong tháng 5.
Tính đến ngày 07 tháng 4 năm 2024, tổng tồn kho cao su thiên nhiên ngoại quan và thương mại tổng hợp tại Thanh Đảo là 643.500 tấn, giảm 16.400 tấn hay 2,48% so với kỳ trước.
2. Yếu tố giá Dầu:
Trên thị trường năng lượng, Giá dầu thô liên tục tăng giá do lo ngại từ việc khả năng Iran sẽ tấn công Israel vào cuối tuần này nhằm trả đũa việc lãnh sự quán Iran bị Israel không kích cách đây gần 2 tuần. Nếu xảy ra một cuộc tấn công như vậy, đây sẽ là sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông kể từ khi chiến tranh Israel - Hamas nổ ra ở Gaza vào tháng 10 năm ngoái.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau tăng 0,71 USD/thùng, chốt ở mức 90,45 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,64 USD/thùng, chốt ở 85,66 USD/thùng.
Trong tuần này, giá dầu có lúc đạt mức gần cao nhất trong 6 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, mối lo về lãi suất cao cũng gây áp lực giảm lên giá dầu, khiến giá dầu Brent giảm 0,8% nếu tính cả tuần và giá dầu WTI giảm hơn 1%.
Trong đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong dự báo hàng tháng mới nhất đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới trong năm 2024 còn 1,2 triệu thùng/ngày. Báo cáo định kỳ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) lại cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay.
3. Tình hình kinh tế Mỹ và chính sách của FED:
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (12/4), khi mối lo lãi suất cao sẽ duy trì mức cao lâu hơn và căng thẳng địa chính trị phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones sụt 475,84 điểm, tương đương giảm 1,24%, còn 37.983,24 điểm. Chỉ số S&P 500 “bốc hơi” 1,46%, còn 5.123,41 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,62%, còn 16.175,09 điểm.
Vào thời điểm chạm đáy của phiên, Dow Jones mất gần 582 điểm, tương đương giảm 1,51%, trong khi S&P 500 giảm tới 1,75%.
Sự “cứng đầu” của lạm phát và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc cắt giảm lãi suất là thủ phạm chính gây ra sự bán tháo cổ phiếu ở Phố Wall trong tuần này. Cả tuần, S&P 500 mất 1,56% điểm số, trong khi Dow Jones giảm 2,37% và Nasdaq trượt 0,45%.
Bên cạnh đó, dữ liệu Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Hoa Kỳ trong tháng 3 được công bố vào ngày 11 tháng 4 đã giúp xoa dịu bức tranh lạm phát. PPI là chỉ số hàng đầu của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Giá sản xuất tăng ít hơn một chút so với dự kiến trong tháng 3. PPI tăng 0,2% so với tháng trước trong tháng 3, chậm hơn tốc độ 0,3% mà các nhà phân tích mong đợi và chậm hơn đáng kể so với tốc độ 0,6% được thấy trong tháng Hai. Mặc dù giá vẫn tăng nhưng tốc độ tăng đã chậm lại. Đây là thông tin khiến nhà đầu tư bớt lo lắng vì PPI là chỉ số hàng đầu của CPI. Dữ liệu PPI chậm hơn báo hiệu khả năng CPI sẽ chậm lại trong những tháng tới.
Thị trường hiện cho rằng Fed phải đến tháng 9 mới bắt đầu giảm lãi suất, thay vì tháng 6 như dự báo gần đây, đồng nghĩa khó có thể có được 3 lần giảm lãi suất trong cả năm như dự kiến.
4. Đồng Đô la Mỹ:
Đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng mạnh để đạt mức cao nhất trong 5 tháng. Chỉ số Đô la được giao dịch ở mức 105,50 vào ngày 12 tháng 4. Các yếu tố sau đây đã đang góp phần khiến đồng đô la tiếp tục tăng giá:
- Dữ liệu lạm phát tiêu dùng tháng 3 nóng hơn dự kiến của Mỹ đã làm mờ triển vọng Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6 thay vì tháng 5 như kỳ vọng của các nhà đầu tư.
- Căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông đang làm tăng sức hấp dẫn của nơi trú ẩn an toàn đối với đồng đô la
- Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu của Hoa Kỳ (tức là số người Mỹ mới nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp từ chính phủ) đã giảm từ 220.000 xuống còn 211.000. Dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp càng làm tăng thêm khả năng lãi suất cao hơn sẽ tồn tại lâu hơn ở Mỹ.
5. Tình hình kinh tế Trung Quốc:
Theo báo cáo thương mại tháng 3 của Trung Quốc được công bố vào ngày 12/4, xuất khẩu tháng 3 đã giảm 3,0% so với cùng kỳ sau khi tăng ấn tượng 7,1% vào tháng 2. Nhập khẩu tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 3 sau khi tăng 3,5% vào tháng 2.
Trong khi đó, nhu cầu vay vốn mới của doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc có vẻ ảm đạm trong những tháng đầu năm. Cùng với đó, giá nhà ở nước này trong tháng 2 giảm mạnh hơn mức giảm ghi nhận trong tháng 1. Giá nhà đến hiện tại vẫn chưa giảm nhiều như kỳ vọng, nếu xét đến sự sụt giảm ở các bộ phận khác của thị trường bất động sản.
Giới chức Trung Quốc cho biết bất động sản vẫn đang trong giai đoạn “điều chỉnh”. Nước này cũng đang nhấn mạnh vào các động lực tăng trưởng mới như ngành sản xuất và xe năng lượng mới.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng khoảng 5% trong năm nay. Các chuyên gia phân tích cho rằng mục tiêu tăng trưởng này là thực tế. Bởi xuất khẩu từ tháng 1 đến tháng 2 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái là một dấu hiệu tốt. Điều này tạo đà cho xuất khẩu của Trung Quốc có thể tăng 10% trong năm nay.
Các số liệu mới công bố gần đây cho thấy kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi. Đó là một dấu hiệu rất mạnh mẽ cho thấy các chính sách giúp kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Trung Quốc đang phát huy hiệu quả và là một dấu hiệu tốt cho cả nền kinh tế Trung Quốc và toàn thế giới.
Tóm lại, trong ngắn hạn, giá cao su sẽ tiếp tục diễn biến theo xu hướng như đã nhận định tuần trước. Xu hướng giá sẽ tiếp tục điều chỉnh không tương đồng do chịu tác động bởi hai khía cạnh:
i. Thông tin tích cực về Trung Quốc và tình hình thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến nguồn cung nhưng các yếu tố tiêu cực như xung đột leo thang tại Trung Đông và đồng Dollar Mỹ tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao sẽ tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư và hạn chế đà tăng.
ii. Sự điều chỉnh mức chênh lệch bất thường đã tạo ra trước đó. Theo đó, sự điều chỉnh sẽ thu hẹp chênh lệch giá của cùng chủng loại trên các thị trường khác nhau cũng như điều chỉnh thu hẹp mức chênh lệch giữa RSS và TSR.
CÁC THÔNG TIN LIÊN QUAN
1. Thông tin từ thị trường Trung Quốc và các khu vực khác:
- Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào ngày 12 tháng 4, trong tháng 3 năm 2024Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 651.000 tấn cao su tự nhiên và tổng hợp (bao gồm cả mủ latex), giảm 11,8% so với 738.000 tấn của cùng kỳ năm 2023.
- Trong quý 1 năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 1,806 triệu tấn cao su tự nhiên và tổng hợp (bao gồm cả latex), giảm 12,3% so với 2,059 triệu tấn cùng kỳ năm 2023.
- Từ tháng 1 đến tháng 3, sản xuất và bán ô tô của Trung Quốc lần lượt đạt 6,606 triệu chiếc và 6,72 triệu chiếc, tăng lần lượt 6,4% và 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Tính đến ngày 7 tháng 4 năm 2024, tổng tồn kho cao su thiên nhiên ngoại quan và thương mại tổng hợp tại Thanh Đảo là 643.500 tấn, giảm 16.400 tấn hay 2,48% so với kỳ trước.
2. Giá dầu thô:
- Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu tăng khoảng 1% do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông. Tuy nhiên, mức tăng này chưa đủ để lấy lại những mất mát ở một số phiên trước đó nên giá dầu tuần này đã chính thức ghi nhận giảm, chịu tác động bởi dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) về tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới giảm và lo ngại Mỹ sẽ chậm cắt giảm lãi suất.
- Giá dầu Brent tăng lên mức 90,45 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 85,66 USD/thùng.
- Giá dầu Brent tăng lên mức 91,17 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 86,91 USD/thùng.
Biểu đồ: 10
Nguồn: Bloomberg
3. Giá Ngoại tệ:
- Tỷ giá ngày 12/4/2024 tăng lên mức 24.840 đồng/USD.
Nguồn: Ngân hàng CPTM ngoại thương (VCB)
Nguồn : Ngân hàng BNM Malaysia
Nguồn : exchangerates.org.uk
Nguồn : exchangerates.org.uk
Ghi chú
- Thông tin cập nhật từ các sàn giao dịch future.
- Báo cáo định kỳ của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su (ARNPC)
- Bản tin định kỳ của Hiệp Hội cao su Việt Nam.
- Các thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh, thu mua cung cấp từ các đơn vị thành viên của Tập Đoàn.
- ...
2. Bản tin chỉ cung cấp cho lãnh đạo Tập Đoàn và các đơn vị Cty thành viên để theo dõi xu hướng của thị trường và chỉ được lưu hành nội bộ.