• 177 Hai Bà Trưng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
  • (84-8) 39 327 341

TỔNG QUAN VỀ THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA

    Giá CSTN trên các sàn giao dịch kỳ hạn và thị trường giao ngay tuần qua có diễn biến không tương đồng nhau nhưng đều theo xu hướng giảm đầu tuần và sau đó tăng trở lại ở giai đoạn cuối tuần. Một số nguyên nhân được các nhà phân tích nhận định, cụ thể như sau: 

  • Yếu tố tích cực:
  1. Nguồn cung tiếp tục khan hiếm khi khu vực Đông Nam Á phải đối mặt với tình hình thời tiết diễn biến không thuận lợi trong tuần qua
  2. Lượng tồn kho tại Thanh Đảo (Trung Quốc) tiếp tục giảm xuống còn 401.300 tấn, tương đương 38% so với đầu năm 2024
  3. Giá cao su thiên nhiên tăng đột biến vào cuối tuần khi các quỹ đầu cơ đẩy mạnh giao dịch do lo ngại vào khả năng gián đoạn nguồn cung do bão 'Yagi'
  4. Các báo cáo liên quan đến việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã làm tăng triển vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất sâu hơn 0,50% khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang họp vào ngày 17-18 tháng 9.
  5. Đồng đô la đã giảm giá do hy vọng ngày càng tăng về việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất sâu hơn
            • Yếu tố tiêu cực:
            1. Các nhà đầu tư đã bán mạnh chốt lời trong hai tuần liên tiếp vừa qua đã làm giá CSTN giảm mạnh.
            2. nhu cầu u ám trong bối cảnh lo ngại mới về khả năng suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ và sự yếu kém dai dẳng trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc
            3. Dữ liệu việc làm quốc gia của ADP được công bố ngày 5/9, khu vực tư nhân Hoa Kỳ chỉ tăng thêm 99.000 việc làm vào tháng 8, thấp hơn đáng kể so với mức 144.000 mà các nhà phân tích dự kiến
            4. Giá dầu thô vẫn chịu áp lực giảm liên tiếp mặc dù dữ liệu cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Hoa Kỳ đã giảm nhiều hơn so với dự kiến

                   1. Giá giao dịch cao su kỳ hạn (Future):

                       Giá RSS3 trên các sàn giao dịch có diễn biến không tương đồng nhau. Giá trên Shanghai và SGX giảm giá từ đầu tuần đến phiên giữa tuần trước khi quay đầu tăng giá ở hai phiên cuối tuần; trong khi đó, giá trên sàn JPX giảm giá từ đầu tuần đến phiên gần cuối tuần sau đó quay đầu tăng giá ở phiên cuối tuần. So với giá bình quân tuần trước, giá RSS3 trên các sàn tuần này đều giảm, cụ thể: giá trên trên sàn SGX giảm -3,47%, trên sàn JPX giảm -3,13%, giá trên sàn Shanghai giảm -1,6%.

                       Giá TSR20 trên SGX và giá tham chiếu SMR10/20 trên MRB có diễn biến tương đồng nhau khi giảm giá từ đầu tuần đến giữa tuần trước khi quay đầu tăng giá ở hai phiên cuối tuần. So với tuần trước, giá bình quân của TSR20 và giá SMR10/20 tuần này đều giảm, cụ thể: giá TSR 20 giảm -1,96%, giá tham chiếu SMR10/20 giảm -1,94%/-1,95%.

                       Đối với giá tham chiếu CV, L và Latex trên MRB có diễn biến giảm giá ở phiên thứ hai trước khi quay đầu tăng giá đến cuối tuần. So với tuần trước, giá các sản phẩm CV, L và Latex đều tăng, cụ thể: giá CV tăng +1,8%; giá L tăng +1,82%; Latex tăng +1,92%.

                       Diễn biến giá trung bình trên các sàn giao dịch tương lai tuần qua sau:

                  2. Giá cao su thị trường giao ngay (Physical):

                      Giá RSS3 trên thị trường giao ngay có diễn biến răng cưa, tuy nhiên, so với tuần trước, giá bình quân RSS3 giao ngay tuần này tăng +195,62 USD/tấn, tương đương tăng +7,85%.

                      Giá V20 trên các thị trường giao ngay có diễn biến không tương đồng nhau. Giá TSR20 giảm giá từ đầu tuần đến phiên gần cuối tuần sau đó tăng giá ở phiên cuối tuần; giá SMR20 giảm giá từ đầu tuần đến giữa tuần sau đó tăng giá ở hai phiên cuối tuần. So với tuần trước, giá bình quân giá STR 20 giảm -1,2%, giá SMR 20 giảm -1,95%.

                      Giá Latex trên thị trường giao ngay tăng giá từ đầu tuần đến giữa tuần sau đó giảm giá ở phiên gần cuối tuần trước khi quay đầu tăng giá trở lại ở phiên cuối tuần. So với tuần trước, giá bình quân Latex tăng +30,66 USD/tấn tương đương tăng +2,04%.

                      Diễn biến giá trung bình các sản phẩm cao su trên thị trường giao ngay tuần qua:

                   

                  DIỄN BIẾN CỤ THỂ TRÊN CÁC SÀN GIAO DỊCH FUTURE TUẦN QUA

                  1. Tại Sàn SGX - Singapore (giao dịch kỳ hạn tháng 10/2024):

                      Giá RSS3 có các phiên điều chỉnh tăng và giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 2.567 USD/tấn, sau đó có các phiên điều chỉnh giảm liên tiếp giá xuống mức thấp nhất tuần là 2.485 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh tăng đến phiên cuối tuần lên mức cao nhất tuần là 2.570 USD/tấn.

                      Giá TSR 20 có các phiên điều chỉnh tăng và giảm giá trong tuần. Phiên đầu giá ở mức 1.793 USD/tấn, sau đó có các phiên điều chỉnh giảm liên tiếp xuống mức thấp nhất tuần là 1.756 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh tăng đến phiên cuối tuần lên mức cao nhất tuần là 1.818 USD/tấn.

                      Khối lượng giao dịch chủ yếu vẫn là TSR 20, tăng ở phiên đầu tuần và bật tăng mạnh ở phiên gần cuối tuần, các phiên còn lại đều giảm. Lượng giao dịch RSS3 vẫn duy trì ở mức thấp. 

                                                                                                              Biểu đồ 1                                                                      Biểu đồ 2

                    

                  Nguồn: SGX

                  2. Giá tham chiếu trên MRB – Malaysia:

                      Giá SMR CV và SMR L xu hướng tăng giá trong tuần. Phiên đầu tuần giá ở mức 2.601/2.577,5 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh giảm giá giảm xuống mức thấp nhất tuần là 2.594/2.571 USD/tấn, tiếp đó có các phiên điều chỉnh tăng liên tiếp đến phiên cuối tuần lên mức cao nhất tuần là 2.642/2.618,5 USD/tấn. (Chi tiết tại Biểu đồ 3).

                      Giá SMR 10/20 có các phiên điều chỉnh tăng và giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 1.864,5/1.853 USD/tấn, sau đó có các phiên điều chỉnh giảm giá xuống mức thấp nhất tuần là 1.834/1822 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh tăng lên mức 1.862,5/1.851 USD/tấn.

                      Giá cao su Latex xu hướng tăng giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 1.506,9 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh giảm giá xuống mức thấp nhất tuần là 1.501,4 USD/tấn, tiếp sau đó có các phiên điều chỉnh tăng liên tiếp đến phiên cuối tuần là 1.531,2 USD/tấn. (Chi tiết tại Biểu đồ 4)  

                                                                                                                  Biểu đồ 3                                                                     Biểu đồ 4            

                     

                  Nguồn: MRB

                  3. Tại Sàn Tocom/Osaka - Nhật Bản (giao dịch kỳ hạn tháng 02/2025):

                      Giá cao su RSS3 có xu hướng giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 2.505 USD/tấn, sau đó có các phiên điều chỉnh giảm liên tiếp giá xuống mức thấp nhất tuần là 2.427 USD/tấn, đến phiên cuối tuần giá điều chỉnh tăng lên mức 2.459,2 USD/tấn.

                      Khối lượng giao dịch tăng ở phiên đầu tuần và phiên giữa tuần, giảm ở các phiên còn lại.

                                                                                                               Biểu đồ 5                                                                     Biểu đồ 6


                  Nguồn: JPX

                  4. Tại Sàn Thượng Hải – Trung Quốc (giao dịch kỳ hạn tháng 01/2025) :

                      Giá cao su RSS3 có các phiên điều chỉnh tăng và giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức là 2.321,6 USD/tấn, sau đó có các phiên điều chỉnh tăng có các phiên điều chỉnh giảm liên tiếp giá xuống mức thấp nhất tuần là 2.269,9 USD/tấn, tiếp đó  phiên điều chỉnh tăng đến phiên cuối tuần lên mức là 2.302,9 USD/tấn.

                      Khối lượng giao dịch tăng ở phiên đầu tuần và phiên cuối tuần, các phiên khác giao dịch giảm.

                     Biểu đồ 7                                                                    Biểu đồ 8

                  Nguồn: Shanghai

                  DIỄN BIẾN GIÁ CAO SU TRÊN THỊ TRƯỜNG GIAO NGAY CHÂU Á

                         Diễn biến giá cao su trong hai tuần gần nhất, cụ thể như sau:

                  NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU TRONG NGẮN HẠN

                     Giá CSTN trên thị trường kỳ hạn và giao ngay trong tuần qua theo xu hướng giảm giá đầu tuần do yếu tố chốt lời từ tuần trước và tăng giá ở giai đoạn cuối tuần khi các nhà đầu tư đặt cược vào việc thiếu hụt nguồn cung do tác động mạnh từ siêu bão Yagi.

                     Trong ngắn hạn, giá CSTN có thể sẽ còn chịu tác động từ các yếu tố tích cực và tiêu cực, cụ thể:

                    1. Cung cầu cao su thiên nhiên toàn cầu:

                        Indonesia công bố sản lượng xuất khẩu của nước này trong tháng 7/2024 là 133.500 tấn giảm 13.500 tấn so với cùng kỳ 2023. Tổng xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2024 giảm 17% so với cùng kỳ 2023. Dự kiến cả năm 2024 sản lượng sẽ giảm 6,4%, xuống còn 2,18 triệu tấn.

                        Trong khi đó, lượng tồn kho tại Thanh Đảo (Trung Quốc) tiếp tục giảm xuống còn 401.3000 tấn, tương đương 38% so với đầu năm 2024. Điều này buộc Trung Quốc phải tăng khối lượng nhập khẩu Trung Quốc trong thời gian tới. Trung Quốc đã công bố nhập khẩu CSTN trong tháng 7/2024 đã tăng 41,7% về khối lượng so với tháng 6 năm 2024.

                         Về nhập khẩu: đối với nền kinh tế số 1 thế giới là Hoa Kỳ đã công bố khối lượng nhập khẩu CSTN tháng 7/2024 giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nước này đã nhập khẩu 72.400 tấn CSTN trong tháng 7 năm 2024, giảm 12.100 tấn so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, tổng khối lượng nhập khẩu trong bảy tháng đầu năm nay đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 588.000 tấn.

                     2. Yếu tố giá Dầu:

                         Giá xăng dầu thế giới kết thúc tuần trong sắc đỏ, ghi nhận tuần giảm giảm giá mạnh. Giá dầu giảm hơn 2% sau dữ liệu việc làm của Mỹ không như kỳ vọng bất chấp việc OPEC+ thông báo hoãn tăng nguồn cung. Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm 10%, dầu WTI giảm khoảng 8%. Dự trữ dầu thô của Mỹ sụt 6,9 triệu thùng xuống 418,3 triệu thùng trong tuần trước, so với mức giảm dự kiến mà các nhà phân tích đưa ra ​​là 993.000 thùng.

                         Bên cạnh đó, giá dầu thô vẫn chịu áp lực mặc dù dữ liệu cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Hoa Kỳ đã giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần kết thúc vào ngày 31 tháng 8. Các nhà sản xuất chính trong ‘OPEC+’ đã quyết định hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu thô trước đó. Báo cáo này đã giúp giữ giá không giảm thêm nữa

                         Bank of America đã hạ dự báo giá Brent trong nửa cuối năm 2024 từ mức gần 90 USD/thùng xuống 75 USD/thùng với lý do tồn kho toàn cầu tăng, nhu cầu yếu hơn so với năng lực sản xuất dự phòng của OPEC+.

                        3. Tình hình kinh tế Mỹ và các thông tin về FED:

                         Theo dữ liệu việc làm quốc gia của ADP, Báo cáo việc làm của Hoa Kỳ cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đã tạo ra ít việc làm hơn vào tháng 8 so với dự kiến. Bảng lương phi nông nghiệp chỉ đạt 142.000 vào tháng 8, so với kỳ vọng của các nhà phân tích là 164.000. Tuy nhiên, con số của tháng 8 cao hơn so với con số của tháng 7 là 89.000.

                         Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 4,2% vào tháng 8 từ mức 4,3% vào tháng 7. Sự sụt giảm bất ngờ về số lượng việc làm được tạo ra đã làm gia tăng mối lo ngại về sức mạnh của thị trường lao động Hoa Kỳ và làm tăng thêm nỗi lo về khả năng suy thoái kinh tế tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

                          Báo cáo việc làm đã làm tăng triển vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất sâu hơn 0,50% khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang họp vào ngày 17-18 tháng 9. Điều này cũng là nguyên nhân khiến cho Đồng đô la đã giảm giá do hy vọng ngày càng tăng về việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất sâu hơn.

                  4. Đồng đô la Mỹ và Yên Nhật

                      Đồng đô la Mỹ đã chịu tổn thất đáng kể so với các loại tiền tệ ngang hàng khác sau dữ liệu việc làm của ADP ngày 05/9 cho thấy sự sụt giảm bất ngờ trong việc tạo ra việc làm phi nông nghiệp trong tháng 8. Chỉ số Dollar được giao dịch ở mức 100.959 vào ngày 6/9

                      Trong khi đó, Đồng yên Nhật tiếp tục tăng giá so với đồng đô la. Đồng yên được giao dịch ở mức 142,97 đổi một đô la. Đồng yên mạnh hơn thường gây áp lực giảm giá lên các hợp đồng tương lai RSS-3 được giao dịch tại JPX Osaka

                    5. Tình hình kinh tế Trung Quốc:

                        Trong hai tuần vừa qua, những tổ chức lạc quan lâu dài về Trung Quốc như UBS Global Wealth Management, Nomura Holdings Inc., và JPMorgan Chase & Co. đều hạ bậc xếp hạng cổ phiếu nước này, dẫn ra các mối lo ngại từ sự suy yếu do thị trường bất động sản, biện pháp kích thích thiếu nhất quán và căng thẳng địa chính trị trước thềm bầu cử Mỹ.

                       Tuần trước, nền kinh tế Trung Quốc đã phải đối mặt với một số thách thức. Chính phủ báo cáo tăng trưởng chậm hơn dự kiến, với nền kinh tế mở rộng ở mức 4,7% hàng năm trong quý gần nhất. Sự chậm lại này được cho là do nhu cầu tiêu dùng yếu và các vấn đề đang diễn ra trên thị trường bất động sản. Ngoài ra, Trung Quốc đã đối diện với các điều tra chống bán phá giá đối với xuất khẩu cải dầu của Canada sau quyết định áp thuế đối với ô tô điện của Trung Quốc từ Mỹ và các nước châu Âu.

                       Tóm lại, trong ngắn hạn giá CSTN có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn cung khan hiếm, đồng Dollar Mỹ vẫn duy trì mức thấp so với các loại đồng tiền của các nước xuất khẩu CSTN và niềm tin từ các nhà đầu tư khi FED có thể sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 17-18/9. Tuy nhiên, tình hình kinh tế phục hồi chậm chạp tại Trung Quốc, giá dầu giảm do các bất ổn về chính trị cùng với cược vận chuyển đường biển vẫn duy trì ở mức cao có thể sẽ tiếp tục là các rào cảng đối với giá CSTN trong thời gian tới.

                   CÁC THÔNG TIN LIÊN QUAN

                  1. Thông tin từ thị trường Trung Quốc và các khu vực khác:

                  - Trong 7 tháng đầu năm 2024, Thái Lan đã xuất khẩu cao su thiên nhiên (không bao gồm cao su tổng hợp và cao su hỗn hợp) với tổng khối lượng 1,671 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 1 đến tháng 7, xuất khẩu cao su thiên nhiên sang Trung Quốc đạt tổng cộng 579.800 tấn, giảm 1,76% so với cùng kỳ năm 2023.

                  -  Trong 7 tháng đầu năm 2024, Indonesia đã xuất khẩu tổng cộng 905.000 tấn cao su tự nhiên và cao su hỗn hợp, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023; tổng lượng xuất khẩu sang Trung Quốc là 79.000 tấn, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2023.

                  -  Trong 7 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ đã nhập khẩu tổng cộng 157,34 triệu lốp xe, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023. Từ tháng 1 đến tháng 7, Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng 15,06 triệu lốp xe từ Trung Quốc, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023; Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng 38,32 triệu lốp xe từ Thái Lan, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023.

                  2. Giá Dầu thô:

                  - Giá dầu Brent giảm xuống mức 71,06 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12-2021. Giá dầu WTI của Mỹ giảm xuống mức 67,67 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 6-2023.

                  Biểu đồ: 10

                  Nguồn: Bloomberg

                  3. Giá Ngoại tệ:

                  - Tỷ giá ngày 6/9/2024 giảm xuống mức 24.430 đồng/USD.

                  Nguồn: Ngân hàng CPTM ngoại thương (VCB)

                  Nguồn : Ngân hàng BNM Malaysia

                  Nguồn : exchangerates.org.uk

                  Nguồn : exchangerates.org.uk

                  Ghi chú

                  1. “Bản tin thị trường của Ban Thị Trưởng kinh doanh (Ban TTKD Tập Đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) được biên tập dự trên các nguồn tài liệu chính thức như:
                  • Thông tin cập nhật từ các sàn giao dịch future.
                  • Báo cáo định kỳ của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su (ARNPC)
                  • Bản tin định kỳ của Hiệp Hội cao su Việt Nam.
                  • Các thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh, thu mua cung cấp từ các đơn vị thành viên của Tập Đoàn.
                  • ...

                  2. Bản tin chỉ cung cấp cho lãnh đạo Tập Đoàn và các đơn vị Cty thành viên để theo dõi xu hướng của thị trường và chỉ được lưu hành nội bộ.

                  3. Một số phân tích và nhận định trong bản tin chỉ có tính tham khảo. Cá nhân tổ chức trong Tập Đoàn được chia sẻ bản tin này có thể sử dụng để có phân tích và nhận định riêng. Ban TTKD không chịu trách nhiệm việc sử dụng bản tin cho quyết định kinh doanh của tổ chức cá nhân cũng như không chịu trách nhiệm việc chia sẻ bản tin này cho các tổ chức, cá nhân không có trong danh mục được chia sẻ. “