TỔNG QUAN VỀ THỊ TRƯỜNG CAO SU THẾ GIỚI TUẦN QUA
Giá CSTN trên các sàn giao dịch kỳ hạn và thị trường giao ngay tuần qua có diễn biến không tương đồng nhau và hầu hết đều giảm. Tuy nhiên, đã dấu hiệu phục hồi ở phiên cuối tuần. Một số nguyên nhân được các nhà phân tích nhận định, cụ thể như sau:
Yếu tố tích cực:
- Thông tin công bố ngày 18/10/2024 cho thấy phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang diễn ra nhanh chóng, chi tiêu của người tiêu dùng đang vượt xa kỳ vọng và hoạt động sản xuất đang được cải thiện. GDP Qúy 3 của Trung Quốc được ghi nhận tăng 0,9% so với quý 2 năm 2024.
- Dữ liệu bán lẻ cốt lõi của Hoa Kỳ cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng và nhu cầu về hàng hóa đang tăng tốc tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
- Nguồn cung từ các nước chủ chốt khu vực Đông Nam Á vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng do thời tiết mưa lớn và bão lụt vừa qua .
Yếu tố tiêu cực:
- Các nhà đầu tư trên thị trường đầu cơ ngày càng lo ngại về sự không chắc chắn về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sẽ được tổ chức vào ngày 8 tháng 11.
- Dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự kiến dẫn đến khả năng FED tạm dừng cắt giảm lãi suất trong cuộc họp FOMC sắp tới.
- Đồng đô la Mỹ tăng mạnh gây tác động tiêu cực tới thị trường hàng hoá.
- Việc hoãn triển khai EUDR 12 tháng đã được Uỷ ban EU thông qua và tiếp tục chờ Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá CSTN.
- Giá dầu lao dốc khi cả OPEC và IEA dự báo nhu cầu sẽ suy yếu trong năm 2024 và 2025 Căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự tiếp tục leo thang tại Trung Đông khi Israel và Hezbollah liên tục gia tăng các hoạt động trả đũa lẫn nhau.
1. Giá giao dịch cao su kỳ hạn (Future):
Giá RSS3 trên các sàn giao dịch có diễn biến không tương đồng nhau. Giá trên SGX tăng giá ở hai phiên đầu tuần sau đó giảm giá ở hai phiên kế tiếp trước khi tăng giá trở lại ở phiên cuối tuần; giá trên sàn JPX và Shanghai giảm giá từ đầu tuần đến phiên gần cuối tuần trước khi tăng giá trở lại ở phiên cuối tuần. So với giá bình quân tuần trước, giá RSS3 trên các sàn tuần này đều giảm, cụ thể: giá trên trên sàn SGX giảm -2,51%, trên sàn JPX giảm -2,73 %, trên sàn Shang hai giảm -4,03%.
Giá TSR20 trên SGX và giá tham chiếu SMR10/20 trên MRB có diễn biến không tương đồng nhau. Giá TSR 20 tăng giá ở phiên thứ 2, giảm giá ở phiên giữa tuần và sau đó tăng giá đến cuối tuần; trong khi đó, giá SMR 10/20 giảm giá từ đầu tuần đến gần cuối tuần và quay đầu tăng giá ở phiên cuối tuần. So với tuần trước, giá bình quân của TSR20 và giá SMR10/20 tuần này đều giảm, cụ thể: giá TSR 20 giảm -2,51%, giá tham chiếu SMR10/20 giảm -1,85%/-1,86%.
Đối với giá tham chiếu CV, L và Latex trên MRB có diễn biến dạng răng cưa trong cả tuần. So với tuần trước, giá các sản phẩm CV, L và Latex đều tăng nhẹ, cụ thể: giá CV tăng +0,36%; giá L tăng +0,3%; Latex tăng +0,71%.
Diễn biến giá trung bình trên các sàn giao dịch tương lai tuần qua sau:
2. Giá cao su thị trường giao ngay (Physical):
Giá RSS3 trên thị trường giao ngay tăng giá ở hai phiên đầu tuần sau đó quay đầu giảm giá đến cuối tuần. So với tuần trước, giá bình quân RSS3 giao ngay tuần này giảm -74,38 USD/tấn, tương đương giảm -2,69%.
Giá V20 trên các thị trường giao ngay có diễn biến tương không đồng nhau. Giá STR 20 có diễn biến dạng răng cưa trong tuần; giá SMR 20 giảm giá từ đầu đến gần cuối tuần sau đó quay đầu tăng giá ở phiên cuối tuần. So với tuần trước, giá bình quân giá STR 20 giảm -0,37%, giá SMR 20 giảm -1,87%.
Giá Latex trên thị trường giao ngay giảm giá từ đầu tuần đến gần cuối tuần trước khi tăng giá nhẹ trở lại ở phiên cuối tuần. So với tuần trước, giá bình quân Latex giảm -7,24 USD/tấn tương đương giảm -0,41%.
Diễn biến giá trung bình các sản phẩm cao su trên thị trường giao ngay tuần qua:
DIỄN BIẾN CỤ THỂ TRÊN CÁC SÀN GIAO DỊCH FUTURE TUẦN QUA
1. Tại Sàn SGX - Singapore (giao dịch kỳ hạn tháng 12/2024):
Giá RSS3 có các phiên điều chỉnh tăng và giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 2.679 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức cao nhất tuần là 2.682 USD/tấn, tiếp đó có các phiên điều chỉnh giảm liên tiếp giá xuống mức thấp nhất tuần là 2.646 USD/tấn, đến phiên cuối tuần giá điều chỉnh tăng lên mức 2.648 USD/tấn.
Giá TSR 20 có các phiên điều chỉnh tăng và giảm giá trong tuần. Phiên đầu giá ở mức 1.993 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức cao nhất tuần là 2.026 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh giảm giá xuống mức thấp nhất tuần là 1.960 USD/tấn, kế tiếp có phiên điều chỉnh tăng đến phiên cuối tuần lên mức 2.006 USD/tấn.
Khối lượng giao dịch chủ yếu vẫn là TSR 20, tăng ở phiên đầu tuần và bật tăng mạnh ở phiên cuối tuần, các phiên còn lại đều giảm. Lượng giao dịch RSS3 vẫn duy trì ở mức thấp.
Biểu đồ 1 Biểu đồ 2
Nguồn: SGX
2. Giá tham chiếu trên MRB – Malaysia:
Giá SMR CV và SMR L có các phiên điều chỉnh tăng và giảm giá trong tuần. Phiên đầu tuần giá ở mức 3.017/2.994 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên 3.022/2.998 USD/tấn, tiếp đó có phiên điều chỉnh giảm giá xuống mức 3.021/2.998 USD/tấn, kế tiếp đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức cao nhất tuần là 3.028/3.004,5 USD/tấn, đến phiên cuối tuần giá điều chỉnh giảm xuống mức 3.027/3.004 USD/tấn. (Chi tiết tại Biểu đồ 3).
Giá SMR 10/20 có xu hướng giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 2.073/2.061 USD/tấn, sau đó có phiên điều điều chỉnh giảm liên tiếp giá xuống mức thấp nhất tuần là 2.048,5/2.037 USD/tấn, đến phiên cuối tuần giá điều chỉnh tăng lên mức 2.070/2.058 USD/tấn.
Giá cao su Latex có các phiên điều chỉnh tăng và giảm giá trong tuần. Đầu tuần giá ở mức 1.752,5 USD/tấn, sau đó có phiên điều chỉnh giảm giá xuống mức 1.752,2, tiếp đó có phiên điều chỉnh tăng giá lên mức cao nhất tuần 1.762,6 USD/tấn, kế tiếp đó có phiên điều chỉnh giảm giá xuống mức 1.756,5 USD/tấn, đến phiên cuối tuần giá điều chỉnh tăng lên mức 1.760 USD/tấn. (Chi tiết tại Biểu đồ 4)
Biểu đồ 3 Biểu đồ 4
Nguồn: MRB
3. Tại Sàn Tocom/Osaka - Nhật Bản (giao dịch kỳ hạn tháng 03/2025):
Giá cao su RSS3 có các phiên điều chỉnh tăng và giảm giá trong tuần. Phiên thứ hai giá ở mức 2.634,1 USD/tấn, sau đó có các phiên điều chỉnh giảm liên tiếp giá xuống mức thấp nhất tuần là 2.566,5 USD/tấn, đến phiên cuối tuần giá điều chỉnh tăng lên mức 2.638 USD/tấn.
Khối lượng giao dịch tăng ở phiên đầu tuần, giảm ở các phiên còn lại.
Biểu đồ 5 Biểu đồ 6
Nguồn: JPX
4. Tại Sàn Thượng Hải – Trung Quốc (giao dịch kỳ hạn tháng 01/2025) :
Giá cao su RSS3 đầu tuần giá ở mức 2.580,7 USD/tấn sau đó có các phiên điều chỉnh giảm liên tiếp giá giảm xuống mức thấp nhất tuần là 2.506,4 USD/tấn, đến phiên cuối tuần giá điều chỉnh tăng lên mức 2.557,1 USD/tấn.
Khối lượng giao dịch tăng ở phiên đầu tuần và giữa tuần, giảm ở các phiên còn lại.
Biểu đồ 7 Biểu đồ 8
Nguồn: Shanghai
DIỄN BIẾN GIÁ CAO SU TRÊN THỊ TRƯỜNG GIAO NGAY CHÂU Á
Diễn biến giá cao su trong hai tuần gần nhất, cụ thể như sau:
NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CAO SU TRONG NGẮN HẠN
Giá CSTN trên thị trường kỳ hạn và giao ngay trong tuần qua theo xu hướng giảm. Tuy nhiên đã có những dấu hiệu hồi phục vào phiên cuối tuần do những dữ liệu tăng trưởng tốt từ kinh tế Trung Quốc.
Trong ngắn hạn, giá CSTN có thể sẽ còn chịu tác động từ các yếu tố tích cực và tiêu cực, cụ thể:
1. Cung cầu cao su thiên nhiên toàn cầu:
Theo thông tin từ website whatnextrubber.com, sản lượng cao su thế giới sẽ giảm 4,2% vào năm 2024. Tình trạng thiếu hụt toàn cầu sẽ gia tăng từ tháng 1 năm 2025 trở đi khi mùa thu hoạt cao su bước vào mùa nghỉ cạo hàng năm.
Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới dự đoán có 60% khả năng xảy ra hiện tượng La Nina vào cuối năm 2024. Các chuyên gia đã dự đoán về sự xuất hiện của hiện tượng này trong nhiều tháng và dự kiến sẽ làm tăng khả năng hình thành và tăng cường bão gần bờ biển Đông Nam Á hơn, trực tiếp gây ảnh hưởng đến khả năng khai thác của các loại nông sản, trong đó có CSTN
Đối với lượng tồn kho: tính đến ngày 13/10/2024, Tổng tồn kho cao su thiên nhiên tại Thanh Đảo tăng nhẹ lên mức mới là 410.500 tấn, tăng 1.000 tấn hay +0,24% so với kỳ trước.
2. Yếu tố giá Dầu:
Tuần này, giá dầu Brent giảm hơn 7% và giá dầu WTI giảm hơn 8%, đánh dấu tuần giảm giá mạnh nhất của mỗi loại dầu kể từ tuần kết thúc vào ngày 2/9. Gây áp lực giảm lên giá dầu tuần này là việc cả Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2024 và 2025.
Số liệu thống kê công bố ngày thứ Sáu cho thấy, Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 4,6% trong quý 3, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2023. Dữ liệu này khiến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường năng lượng thêm phần bi quan.
Giá dầu thô giảm trong tuần qua do lo ngại mới về nhu cầu dầu thô, Dữ liệu lạm phát tiêu dùng và dữ liệu lạm phát sản xuất của Trung Quốc yếu hơn dự kiến trong tháng 9, cùng cuộc họp báo gây thất vọng về kích thích tài khóa vào thứ Bảy 12/10 đã gây ra những lo ngại mới về nhu cầu dầu thô từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Một yếu tố khác gây áp lực lên giá dầu thô là kỳ vọng về một lệnh ngừng bắn tiềm tàng ở Trung Đông. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày thứ Sáu tuyên bố có một cơ hội để Mỹ dàn xếp giữa Israel và Iran nhằm tạm thời chấm dứt xung đột giữa hai nước.
3. Tình hình kinh tế Mỹ và các thông tin về FED:
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (18/10), với hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới và hoàn tất 6 tuần tăng liên tiếp.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,4%, đạt 5.864,67 điểm. Dow Jones tăng 36,86 điểm, tương đương tăng 0,09%, đạt 43.275,91 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,63%, đạt 18.489,55 điểm.
Cả ba chỉ số đều ghi nhận chuỗi 6 tuần tăng không nghỉ. Đây là chuỗi tuần tăng dài nhất từ đầu năm đến nay của Dow Jones và S&P 500. Hai chỉ số này tăng tương ứng 0,96% và 0,85% cả tuần, trong khi Nasdaq tăng 0,8%.
Mức độ biến động của thị trường được cho là sẽ gia tăng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, xu hướng tăng có thể duy trì qua tháng 11 - theo trưởng chiến lược đầu tư Rob Williams của công ty Sage Advisory. Việc thị trường tăng điểm như vậy là không điển hình đối với một năm có bầu cử ở Mỹ.
Theo chiến lược gia này, sức mạnh của chứng khoán Mỹ hiện nay một phần xuất phát từ việc nhà đầu tư tin rằng ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa sẽ thắng cử. So với ứng cử viên Kamala Harris của Đảng Dân chủ, ông Trump được cho là có những chính sách thuế và quy chế giám sát thân thiện với doanh nghiệp hơn.
Dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự kiến dẫn đến khả năng FED tạm dừng cắt giảm lãi suất trong cuộc họp FOMC sắp tới đã tăng lên.
4. Đồng đô la Mỹ:
Chỉ số Dollar duy trì giao dịch ở mức cao 103.46 vào lúc đóng cửa (18/10). Đồng đô la đã tăng giá do việc đặt cược ngày càng tăng vào chính sách nới lỏng tương đối ít quyết liệt hơn của Hoa Kỳ trong bối cảnh nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi. Đồng đô la mạnh hơn luôn có tác động tiêu cực đến thị trường hàng hoá trong đó có CSTN.
5. Tình hình kinh tế Trung Quốc:
Bộ ba dữ liệu kinh tế vĩ mô quan trọng được công bố từ Trung Quốc vào ngày 18/10 cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang diễn ra nhanh chóng.
Thứ nhất, GDP Qúy 3 của Trung Quốc tăng 0,9% so với quý 2 năm 2024. Tuy nhiên, con số này hơi thấp hơn dự báo đồng thuận của các nhà phân tích là 1,0%. GDP của Trung Quốc đã chậm lại một chút, đạt mức tăng trưởng 4,6% trong quý 3 năm 2024 so với mức 4,7% được ghi nhận trong quý 3 năm 2023. Tuy nhiên, số liệu hàng năm cho quý 3 năm 2024 vẫn phù hợp với dự báo đồng thuận của các nhà phân tích.
Thứ hai, Doanh số bán lẻ tháng 9/2024 - thước đo chính về chi tiêu của người tiêu dùng và nhu cầu hàng hóa tại địa phương - đã tăng tốc lên 3,2% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức tăng 2,5% dự kiến của các nhà phân tích và mức tăng 2,1% của tháng 8 năm 2024.
Thứ ba, sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm, vượt mức tăng 4,6% mà các nhà phân tích dự kiến và tăng tốc so với mức tăng 4,5% của tháng. Tăng trưởng GDP, doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp tốt hơn dự kiến cho thấy khả năng phục hồi kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm 43% tổng nhu cầu cao su thiên nhiên của thế giới.
Trong một diễn biến tích cực khác tại Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã triển khai hai chương trình tài trợ vào ngày 18/10 dự kiến sẽ bơm ban đầu 800 tỷ nhân dân tệ (112,38 tỷ đô la) vào thị trường chứng khoán thông qua các công cụ chính sách tiền tệ mới được tạo ra.
Theo một chương trình hoán đổi ban đầu trị giá 500 tỷ nhân dân tệ, các công ty môi giới, công ty quản lý quỹ và công ty bảo hiểm có thể nhận được thanh khoản từ ngân hàng trung ương thông qua thế chấp tài sản để mua cổ phiếu. Hiện tại, 20 công ty đã được chấp thuận tham gia chương trình và các đơn đăng ký ban đầu đã vượt quá 200 tỷ nhân dân tệ.
Ngân hàng Trung ương cũng đã triển khai một chương trình cho vay lại ban đầu trị giá 300 tỷ nhân dân tệ, cho phép các tổ chức tài chính vay từ PBOC, với lãi suất hàng năm là 1,75%, để tài trợ cho việc mua cổ phiếu của các công ty niêm yết.
Tóm lại, trong ngắn hạn giá CSTN sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn cung khan hiếm; Kinh tế Mỹ ổn định; Kỳ vọng từ những biện pháp kích cầu khá quyết liệt từ Trung Quốc sẽ thúc đẩy thị trường mạnh mẽ. Tuy nhiên, giá CSTN vẫn chịu các ảnh hưởng từ khả năng Nghị viện Châu Âu đang xem xét đề nghị của Ủy ban Châu Âu gia hạn thời gian áp dụng EUDR, sự gia tăng bất ổn về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sắp tới, đồng đô la tiếp tục mạnh lên và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông có thể gây áp lực lên giá CSTN trong thời gian tới.
CÁC THÔNG TIN LIÊN QUAN
1. Thông tin từ thị trường Trung Quốc và các khu vực khác:
- Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 14/10, nhập khẩu cao su tự nhiên và tổng hợp (bao gồm cả latex) của Trung Quốc đạt tổng cộng 614.000 tấn trong tháng 9 năm 2024, giảm 2,1% so với 627.000 tấn của cùng kỳ năm 2023. Từ tháng 1 đến tháng 9, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 5,128 triệu tấn cao su tự nhiên và tổng hợp (bao gồm cả latex), giảm 13,3% so với 5,915 triệu tấn cùng kỳ năm 2023.
- Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 9, sản xuất và bán ô tô của Trung Quốc lần lượt đạt 21,47 triệu chiếc và 21,571 triệu chiếc, tăng lần lượt 1,9% và 2,4% so với cùng kỳ năm 2023.
- Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 18 tháng 10, khối lượng xuất khẩu lốp xe cao su của Trung Quốc đạt 6,94 triệu tấn trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023.
- Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Cao su Campuchia, Campuchia đã xuất khẩu 248.535 tấn cao su trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 2,4% so với 242.654 tấn cùng kỳ năm ngoái.
- Tính đến ngày 13/10/2024, Tổng tồn kho cao su thiên nhiên tại Thanh Đảo tăng nhẹ lên mức mới là 410.500 tấn, tăng 1.000 tấn hay +0,24% so với kỳ trước.
2. Giá Dầu thô:
- Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần (18-10), giá dầu giảm hơn 1 USD sau dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại và các nhà đầu tư chấp nhận triển vọng trái chiều ở Trung Đông. Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm hơn 7%, giá dầu WTI giảm khoảng 8%, đánh dấu mức giảm hằng tuần lớn nhất kể từ ngày 2-9.
- Giá dầu Brent giảm xuống mức 73,06 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm xuống mức 69,22 USD/thùng.
Biểu đồ: 10
Nguồn: Bloomberg
3. Giá Ngoại tệ:
- Tỷ giá ngày 18/10/2024 giảm xuống mức 24.980 đồng/USD.
Nguồn: Ngân hàng CPTM ngoại thương (VCB)
Nguồn : Ngân hàng BNM Malaysia
Nguồn : exchangerates.org.uk
Nguồn : exchangerates.org.uk
Ghi chú
- Thông tin cập nhật từ các sàn giao dịch future.
- Báo cáo định kỳ của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su (ARNPC)
- Bản tin định kỳ của Hiệp Hội cao su Việt Nam.
- Các thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh, thu mua cung cấp từ các đơn vị thành viên của Tập Đoàn.
- ...
2. Bản tin chỉ cung cấp cho lãnh đạo Tập Đoàn và các đơn vị Cty thành viên để theo dõi xu hướng của thị trường và chỉ được lưu hành nội bộ.