Ngày 28/5/2024, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố tại Berlin dự báo nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 1 – 1,5% trong giai đoạn 2025 – 2026, cao hơn đáng kể so với hiện nay.
Người dân mua sắm tại các cửa hàng ở Tauentzienstrasse, Berlin (Đức). Ảnh: Getty Images/TTXVN
Năm ngoái nền kinh tế Đức suy thoái và năm nay dự kiến chỉ tăng nhẹ 0,2%, hiện đang đứng cuối danh sách các quốc gia công nghiệp lớn nhất thế giới. Vì tỷ lệ lạm phát có thể sẽ thấp hơn đáng kể nên IMF kỳ vọng nền kinh tế Đức sẽ phục hồi dần dần trong năm nay, nhờ tiêu dùng tư nhân do mức lương thực tế tăng trở lại. Tổ chức tài chính quốc tế có trụ sở tại Washington khuyến nghị chính phủ liên bang tăng cường đầu tư, đặc biệt là vào bảo vệ khí hậu và số hóa. Bộ máy quan liêu cũng cần được giảm bớt. Ngoài ra, cần có thêm nhiều địa điểm chăm sóc trẻ em để phụ nữ có thể hòa nhập tốt hơn, đặc biệt là vào thị trường lao động do thiếu lao động lành nghề.
IMF ca ngợi chính phủ liên minh ba đảng đã có phản ứng hợp lý để đối phó với việc thiếu khí đốt từ Nga như hỗ trợ người tiêu dùng và phát triển các nguồn năng lượng mới. Điều này đã giúp giảm thêm giá năng lượng và kiểm soát lạm phát. IMF coi rủi ro lớn nhất là những xung đột chính trị thậm chí còn nghiêm trọng hơn trên thế giới, như xung đột Nga và Ukraine hay xung đột mới ở Trung Đông. IMF một lần nữa lên tiếng ủng hộ một cuộc cải cách vừa phải về chính sách phanh nợ, vốn chỉ cho phép chính phủ liên bang vay nợ mới lên tới 0,35% GDP, để có thể thúc đẩy được các dự án đầu tư đang tồn đọng. Giới hạn nợ có thể được nới lỏng khoảng 1 điểm phần trăm và tỷ lệ nợ vẫn có thể tiếp tục giảm.
Tổ chức này nhấn mạnh rằng chính phủ cũng nên xem xét loại bỏ các khoản trợ cấp hoặc lợi ích thuế gây tổn hại đến khí hậu. Tuy nhiên, việc cải cách phanh nợ được coi là khó xảy ra vì nó cần phải được sự đồng thuận của ít nhất 2/3 số phiếu trong Quốc hội.
Thu Hằng, nguồn: https://bnews.vn/imf-ky-vong-vao-da-tang-truong-cao-tro-lai-cua-kinh-te-duc/335701.html, ngày 29/5/2024 (TN trích dẫn)